“Khẩn cấp” thu thập di sản của các nhà khoa học
(Lễ bàn giao tài liệu, hiện vật của PGS Lê Văn Sáu và PGS Bùi Thị Kim Quỳ cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.) |
Có một phần lịch sử các ngành khoa học của nước nhà mà thế hệ sau ít được biết đến hoặc chưa có cơ hội tiếp cận: Đó là những tư liệu và hình ảnh của các nhà khoa học đầu ngành để lại. Nếu không tổ chức sưu tập, hệ thống hóa và lưu giữ, nghiên cứu, trưng bày kịp thời, thế hệ mai sau sẽ rất thiệt thòi. Từ những tư liệu cá nhân của các nhà khoa học Năm 2008, GS Nguyễn Văn Nhân - nhà phẫu thuật nổi tiếng trong quân đội ốm nặng. Những ngày nằm trên giường bệnh, GS Nguyễn Văn Nhân trăn trở, rồi đây những tư liệu được tích lũy suốt cả đời sẽ lưu ở đâu và ai sẽ sử dụng. Đó là năm nghìn đầu tài liệu quý, bao gồm hàng nghìn bức ảnh các vết thương ở tay, chân của thương binh ở các mặt trận được ông chụp lại, cùng những tài liệu ghi chép đầu tiên về “ngân hàng xương”. GS Đặng Văn Chung, một đại thụ về Nội khoa của Y học Việt Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc đời cũng từng di nguyện với con cháu, học trò rằng, khi ông chết đi, hãy chất tất cả những tài liệu, sách vở chung quanh quan tài để đốt. Có lẽ, ông sợ rằng, một mai những “báu vật” của bản thân rồi cũng sẽ sớm lụi tàn theo năm tháng. Thật may mắn, điều đó đã không xảy ra… Di sản ông để lại bao gồm hơn 8.000 đầu tài liệu của cá nhân, trong đó có hơn 2.000 bản viết tay về chuyên môn, những ghi chép trong quá trình khám, chữa bệnh, hơn 300 bản thảo bài giảng, ngoài ra còn có các sưu tập bệnh án, sách, báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng Pháp... Đáng chú ý là khối tài liệu chuyên môn về bệnh học nội khoa, điều trị học nội khoa: tim mạch, đái tháo đường, suy thận... Những tài liệu này không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà còn là một nguồn sử liệu quý giá để tìm hiểu, nghiên cứu về một thời kỳ. PGS, TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) nói rằng, là người gắn bó nhiều năm với công tác di sản, bảo tàng, ông đã nhìn thấy sự mất mát của những sử liệu, nhất là các di sản văn hóa của các cá nhân. Chúng như những bằng chứng lịch sử, khoa học, văn hóa của đất nước nhưng ít được quan tâm, bảo tồn. Vậy nên, năm 2008, khi Ban lãnh đạo của Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học (MEDLATEC) đề xuất ý tưởng mời ông tham gia lưu giữ di sản của các nhà khoa học Việt Nam, ông nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời để “cứu” các tài liệu, hiện vật của cá nhân các nhà khoa học, cũng như những câu chuyện, công trình nghiên cứu, ký ức của họ. Tổ chức nghiên cứu di sản của các nhà khoa học một cách quy mô, hệ thống, chúng ta sẽ hình dung ra được lịch sử các ngành khoa học Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau theo trục dọc phát triển, đồng thời cũng có thể cắt theo trục ngang để hiểu các tầng lớp, thế hệ trí thức ở các giai đoạn khác nhau đã được đào tạo, rèn luyện và cống hiến như thế nào. Cuộc đời của từng nhà khoa học như những sử liệu sống động ghép lại thành bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam… PGS, TS Nguyễn Văn Huy tâm niệm: “Chúng tôi tự đặt cho mình trách nhiệm chung tay cứu vớt khẩn cấp di sản của các nhà khoa học đang có nguy cơ bị mai một hoặc biến mất”. Một trong những yêu cầu của bảo tồn và phát huy di sản là phải tôn trọng sự thật. Làm công tác di sản, Trung tâm muốn kể lại những câu chuyện chân thật, kể một cách khách quan nhất về một nhân vật, một sự kiện cụ thể… đã góp mặt như thế nào trong một giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước. Những bài học từ lịch sử được tự rút ra từ hoạt động và cuộc đời của mỗi con người. Mỗi một chi tiết, một câu chuyện, một kỷ vật đều quan trọng và có ý nghĩa, kể cả những trắc trở, ghập ghềnh trong cuộc đời của mỗi nhà khoa học. Có như vậy mới có thể khắc họa chân thực, sinh động về một cá nhân, về con đường sự nghiệp mà họ đã trải qua trong các khoảnh khắc khác nhau của lịch sử. Chạy đua với thời gian Với tâm niệm ấy, từ năm 2008 đến nay, đã diễn ra hàng nghìn buổi gặp gỡ, tiếp xúc, mấy trăm cuộc phỏng vấn ghi âm, ghi hình các nhà khoa học còn sống và cả những buổi trao tặng di vật đầy nước mắt của gia đình các nhà khoa học đã khuất. Nhiều nhà khoa học và gia đình cảm thấy ngỡ ngàng khi nghiên cứu viên của trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tìm đến làm việc, bởi đã rất lâu không có ai hỏi tới nữa sau khi họ nghỉ hưu hoặc qua đời. Tại buổi gặp mặt đoàn cán bộ khoa học được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử sang Liên Xô học tập năm 1951, Thiếu tướng Phạm Như Vưu, hơn 90 tuổi, xúc động nói: “Chúng tôi đã đi được già nửa thế kỷ, ở Liên Xô học xa cách nhau, đến khi nhận công tác mỗi người một số phận cho nên ít khi gặp gỡ nhau. Mãi khi về hưu mới nghĩ chuyện gặp để ôn lại chuyện xưa. Nhưng theo tuổi tác và số phận, các đồng chí đã lần lượt ra đi. Nay tiền định hay ngẫu nhiên, Trung tâm Di sản quan tâm đến chúng tôi, chúng tôi rất vui lòng và sẵn sàng hợp tác, hy vọng để lại chút ít di sản khoa học cho đời sau”. Đến thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (thuộc Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học MEDLATEC), chúng ta không chỉ gặp những trang hồ sơ về tiểu sử cuộc đời và những công trình khoa học của các nhà khoa học, mà còn xúc động bởi những kỷ vật, thậm chí cả những tâm sự riêng tư rất bình dị của họ về cuộc đời, thời cuộc… Đó có thể là những cuốn nhật ký đã hoen mờ của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu viết cho các con, trong đó chứa đựng gần như toàn bộ cuộc đời nghiên cứu khoa học, chủ yếu là kỹ thuật châm tê đã được ông ghi chép lại - bằng những cảm xúc, trực giác và suy ngẫm của một người cha. Đó cũng có thể là chiếc xe đạp cũ kỹ của PGS, TS, bác sĩ Thái Quý, nguyên Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu, BV Bạch Mai (nay là Viện Huyết học Truyền máu trung ương), dùng đi vận động phong trào hiến máu nhân đạo lần đầu tiên vào những năm 1970… Hay giản dị chỉ là một đôi dép nhựa Tiền Phong, một chiếc bưu thiếp, một chiếc ra-đi-ô cát-sét, một chiếc khăn mùi-xoa… nhưng đằng sau đó đều chất chứa những câu chuyện cảm động và ý nghĩa. Chân dung các nhà khoa học được dựng lại một cách sinh động, qua nhiều góc nhìn khác nhau, mà theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, đó là cách làm kết hợp nhiều phương pháp: lưu trữ, bảo tàng, thư viện… để có được những tư liệu sống của các nhà khoa học. Cho đến nay, Trung tâm đã từng bước “cấp cứu” những di sản của nhà khoa học có nguy cơ mai một, cơ bản tạo dựng được niềm tin, sự trọng thị của nhiều nhà khoa học và gia đình nhà khoa học. 923 hồ sơ của nhà khoa học đã được thiết lập với hơn 200 nghìn đầu tư liệu, bao gồm nhiều loại hình: các bản thảo nghiên cứu, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu... Các chuyên ngành do Trung tâm tiếp cận nghiên cứu - sưu tầm cũng từng bước được mở rộng và đa dạng, bao gồm từ khoa học xã hội và nhân văn đến khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật... Hiện nay, Trung tâm có phòng bảo quản riêng tư liệu giấy và phim ảnh; phòng bảo quản các hiện vật thể khối; phòng thư viện lưu trữ sách chuyên ngành của các nhà khoa học. Việc quản lý tư liệu theo nhiều hình thức: vừa quản lý tư liệu văn bản gốc, vừa scan để lưu trữ trên server; đồng thời sao lưu sang đĩa. Công tác này còn là bước chuẩn bị cho công tác số hóa, xã hội hóa tư liệu về sau. Tuy nhiên, việc lưu giữ di sản các nhà khoa học cũng giống như một cuộc chạy đua với thời gian, bởi số lượng nhà khoa học ngày càng tăng, nhiều nhà khoa học cao tuổi lần lượt ra đi, trong khi nhân lực của Trung tâm có hạn. PGS, TS Nguyễn Văn Huy từng thốt lên ngậm ngùi: “Chúng ta đã để lỡ mất rồi!” khi nghe tin GS, TS Nguyễn Văn Chiển, người được coi là “anh cả của ngành địa chất Việt Nam” qua đời mà Trung tâm chưa kịp gặp gỡ. Nghiên cứu viên Trần Bích Hạnh kể rằng, trong nhiều lần đi thu thập tài liệu, chị và các đồng nghiệp không khỏi xót xa, tiếc nuối khi con cháu của các nhà khoa học cho biết, họ vừa dọn nhà và “bán đồng nát” mấy chục cân tài liệu! Bởi vậy, hiện nay Trung tâm đang “khẩn cấp” thu thập di sản của các nhà khoa học Việt Nam từ năm 1945 trở lại đây, nhất là các giáo sư, phó giáo sư được phong những năm 1980-1990. Nhiều người trong nhóm này đã mất hay cao tuổi cho nên cần nghiên cứu trước, mang tính “cấp cứu”. Trước mắt, công việc của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn nhiều bộn bề. Là một mô hình mới, Trung tâm phải tự mày mò tìm đường đi, từ việc tổ chức nghiên cứu, sưu tầm đến việc bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị các tài liệu sao cho hiệu quả nhất. Trong tương lai, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam với sự tiếp cận mới, với cách làm bảo tàng mới, sẽ là một địa chỉ hấp dẫn để giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ hiểu được cuộc đời, công việc và cống hiến của các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau trong những bối cảnh lịch sử-xã hội thay đổi gần một thế kỷ trở lại đây; hiểu được sự phát triển của từng lĩnh vực khoa học nói riêng và của nền khoa học Việt Nam nói chung. |
HẠNH NGUYÊN |