Tìm hiểu về qui trình xét phong chức danh Giáo sư/Phó giáo sư của Hungary.

12/03/2019

I. TỔNG QUAN

     Hungary nằm ở Trung Âu được thành lập vào năm 895 sau Công nguyên, với diện tích 93.030 Km2 và dân số là 9 893 899 người (số liệu năm 2013 ). Ngày nay Hungary là một quốc gia dân chủ theo thể chế Cộng hoà Nghị viện nằm trong khối EU và có mức thu nhập cao trong các nước vùng Trung Âu. Hungary là đất nước có nền văn hoá, khoa học và giáo dục phát triển. Số người Hungary hoặc gốc Hungary đoại giải Nobel lên tới 15 đã đưa Hungary trở thành quốc gia có tỷ lệ người được giải thưởng Nobel trên tổng dân số cao nhất thế giới.

     Hungary là một quốc gia có nền giáo dục đáng khâm phục kể cả giáo dục cơ sở lẫn giáo dục đại học. Tuy nhiên tỷ lệ giáo sư trên tổng số sinh viên của Hungary vẫn còn khiêm tốn so với các nước khác ở Châu Âu. Theo số liệu thống kê năm 2005, nước Hungary có 23.787 giảng viên (GV) giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng, trong đó có 16.892 GV trong biên chế chính thức. Với số lượng giáo sư (GS) là 3.131 và số lượng sinh viên (SV) là 378.500, như vậy năm 2005 số lượng SV trên số lượng GV và GS bình quân là 15,9 SV/ 1 GV và 120,8 SV/ 1 GS. Nếu so sách với CHLB Đức thì năm học 2001/2002 CHLB Đức có 1.868.700 SV, số GV là 160.389, trong đó có 37.661 GS. Như vậy ở CHLB Đức có bình quân 11,7 SV/ 1 GV và 50 SV/ 1 GS. Theo số liệu này thấy rằng tỷ lệ SV trên GV và GS của CHLB Đức thấp hơn so với Hungary và tỷ lệ GS trên tổng số GV của Hungary là 13% còn của CHLB Đức là 23,5%.

     Hiện nay Hungary có khoảng 3.500 GS. Theo sự đánh giá của các chuyên gia giáo dục các tiêu chuẩn lựa chọn giáo sư của Hungary là khá nghiêm ngặt với chất lượng cao, cho nên trong các năm 2010-2015 tỷ lệ GS được công nhận trên số ứng cử viên GS theo năm là 104/148, 98/138, 93/125, 80/107, 111/138 và 107/136. Ví dụ trong 6 năm trên Ngành Tin học là ngành đào tạo có tiếng của Đại học Tổng hợp ELTE chỉ có 2 GS mới được phong.Theo Luật Giáo dục của Hungary, hệ thống giáo dục đại học của Hungary có hai loại cơ sở giáo dục: Trường đại học (Egyetem) và Trường cao đẳng (Főiskola –college). Do vậy ở Hungary cũng phân ra GS, PGS của trường đại học và GS, PGS trường cao đẳng. Ngoài ra ở Hungary còn có GS làm việc ở các Viện Nghiên cứu khoa học, nhưng trong bài này tác giả không đề cập đến loại GS này, vì việc phong các GS này có các tiêu chuẩn riêng mang đặc thù của các nhà khoa học chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học.

     PGS cao đẳng và PGS đại học do Hiệu trưởng các trường đại học và các trường cao đẳng quyết định bổ nhiệm. Việc phong PGS thuộc quyền hạn của Hiệu trưởng, theo những quy định của Bộ Luật Giáo dục Đại học do Quốc hội thông qua (Bộ Luật hiện hành là Bộ Luật năm 2011). Các diều kiện quy định chung:

(1) Có bằng Tiến sĩ trở lên ;

(2) Có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, công nghệ, có khả năng  dẫn dắt công việc khoa học hay nghệ thuật cho sinh viên và các trợ giảng;

(3) Có thành tích trong hoạt động đào tạo, đảm bảo thời gian giảng dạy theo quy định tối thiểu là 5 năm;

(4) Nhiều trường đại học các yêu cầu về tiêu chuẩn PGS đòi hỏi chất lượng cao hơn tiêu chuẩn quy định chung như phải có bằng Dr. Habil, quy định số lượng và chất lượng  các công trình khoa học, số lượng các trích dẫn hay chỉ số impact factor, h-index, v.v...

     GS Cao đẳng do trường cao đẳng đề xuất, xét theo yêu cầu của trường cũng như đòi hỏi chất lượng CBGD. Việc xét GS cao đẳng theo những yêu cầu cao hơn PGS cao đẳng, sau khi được Hội đồng Nghị sự của trường (szenátus) quyết định, hồ sơ sẽ gửi lên Bộ Nguồn nhân lực xét và phê chuẩn (Bộ này quản lý giáo dục), rồi từ đó mới gửi hồ sơ tới Văn phòng Thủ tướng để trình Thủ tướng ký. Thông thường các yêu cầu của GS cao đẳng chất lượng gần tương đương PGS đại học, tuy nhiên quyết định phong PGS đại học do Hiệu trưởng các trường ký, còn quyết định phong GS cao đẳng lại do Thủ tướng Chính phủ ký.GS đại học do Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng Hungary (được viết tắt là MAB ) xét và thông qua, nhưng Quyết định phong GS đại học lại do Tổng thống CH Hungary ký. Vai trò và quyền hạn MAB rất rộng, bao gồm việc cho phép thành lập trường đại học, cao đẳng, cho phép đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; cho phép các trường ĐH nước ngoài được mở ở Hungary, xét và thông qua danh sách GS đại học hàng năm v.v... Như vậy MAB đảm nhiệm cả vai trò của Hội đồng Giáo sư nhà nước Hungary.

     Trang web của MAB là: http://www.mab.hu/web/index.php?lang=hu, trong đó các quy định về tiêu chuẩn, quy trình xét, bổ nhiệm, mẫu hồ sơ và các  hướng dẫn đánh giá (ở Hungary Văn bản hướng dẫn đánh giá  được xây dựng và công bố áp dụng hàng năm dựa trên Văn bản quy định chung của Luật Giáo dục Đại học).

II. QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN VÀ ĐÁNH GIÁ:

Hungary xây dựng tiêu chuẩn đánh giá GS, PGS theo 8 nhóm ngành Khoa học:

1. Khoa học tự Nhiên

1.2. Toán học và khoa học máy tính

1.3. Khoa học Vật lý

1.4. Hoá học

1.5. Khoa học Trái đất

1.6. Khoa học sinh học

1.7. Khoa học Môi trường

2. Khoa học Kỹ thuật, Công nghệ

2.1. Kỹ thuật xây dựng

2.2. Kỹ thuật Điện

2.3. Kỹ thuật kiến trúc

2.4. Khoa học Vật liệu và Công nghệ Vật liệu

2.5. Cơ khí, chế tạo máy

2.6. Giao thông vận tải

2.7. Kỹ thuật sinh học, môi trường và hoá công nghiệp

2.8. Máy nông nghiệp

2.9. Kỹ thuật máy tính

2.10. Khoa học, Kỹ thuật quân sự

3. Khoa học Y tế

3.1. Y học lý thuyết

3.2. Y học lâm sàng

3.3. Khoa học sức khoẻ

3.4. Khoa học dược

3.5. Y học thể thao

4. Khoa học Nông nghiệp

4.1. Trồng trọt và khoa học làm vườn

4.2. Thú y

4.3. Chăn nuôi

4.4. Khoa học thực phẩm

4.5. Khoa học lâm nghiệp và quản lý động vật hoang dã

5. Khoa học Xã hội

5.1. Khoa học Quản trị và quản lý

5.2. Khoa học kinh tế

5.3. Nhà nước và Pháp luật

5.4. Xã hội học

5.5. Khoa học chính trị

5.6. Khoa học Quân sự

5.7. khoa học truyền thông

5.8. Quản lý khoa học

5.9. Khoa học Hình sự - Cánh sát

6. Khoa học Nhân văn

6.1. Khoa học Lịch sử

6.2. Văn học

6.3. Ngôn ngữ học

6.4. Triết học

6.5. Khoa học giáo dục

6.6. Khoa học tâm lý

6.7. Dân tộc học và Nhân trác học

6.8. Lịch sử nghệ thuật và lịch sử mỹ thuật

6.9. Khoa học Tôn giáo

7. Khoa học Nghệ thuật

7.1. Nghệ thuật xây dựng

7.2. Đồ thủ công

7.3. Âm nhạc

7.4. Nghệ thuật Hội hoạ - Điêu khắc

7.5. Nghệ thuật sân khấu

7.6. Phim và Video

7.7. Nghệ thuật khiêu vũ và tổ chức phong trào

7.8. Nghệ thuật quảng cáo ( truyền thông)

7.9. Các ngành nghệ thuật khác

8. Thần học   

     Tiêu chuẩn GS, PGS được xây dựng căn cứ vào việc thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà giáo là nghiên cứu khoa học và đào tạo. Mỗi nhiệm vụ có các tiêu chuẩn cụ thể và căn cứ vào đặc thù của các nhóm ngành trên sẽ được đánh giá bằng các điểm số có tỷ trọng khác nhau. Ví dụ Ngành Khoa học Tự nhiên có các tiêu chuẩn đánh giá và cho điểm như sau:

2.1. Các tiêu chuẩn liên quan hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo (100 điểm)

(1) Các kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc được thống kê gồm các bài báo, sách, giáo trình viết bằng tiếng nước ngoài và tiếng Hungary, các bằng phát minh, sáng chế, các giải thưởng, sản phẩm KHCN và các ghi nhận của xã hội về hoạt động KH của ứng cử viên (tối đa 50 điểm);- Kết quả đào tạo, hướng dẫn giảng viên trẻ, sinh viên nghiên cứu khoa học; hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đại học, Thạc sĩ, NCS Tiến sĩ ( PhD), viết chung công trình nghiên cứu với NCS Tiến sĩ (tối đa 20 điểm);

(2) Tổ chức Nghiên cứu KH bao gồm lãnh đạo các đề tài khoa học cấp Nhà nước và các đề tài KH khác, có uy tín chuyên môn để tổ chức các Hội nghị, Hội thảo Khoa học trong nước và ngoài nước, các thành công trong đấu thầu các đề tài, dự án nghiên cứu trong nước và quốc tế (tối đa 15 điểm);

- Sự nổi tiếng trong nước và quốc tế với cộng đồng khoa học chuyên ngành, là khách mời báo cáo của các Hội nghị KH, Biên tập các Tạp chí KH, các giải thưởng quốc tế (tối đa 15 điểm).

Tổng cộng phần (1) và (2) phải đạt tối thiểu là 60/100 điểm mới đủ điều kiện được xem xét tiếp.

2.2. Các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động đào tạo (100  điểm)

(1) Kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt sinh viên trong học thuật và nghiên cứu khoa học. Tham gia đào tạo Tiến sĩ (tối đa 40 điểm)

- Các ghi nhận liên quan tới đào tạo như  hướng dẫn sinh viên tham gia báo cáo KH, chăm sóc tài năng trẻ, tham gia các hoạt động ngoại khoá, hỗ trợ giảng viên trẻ và nhận được sự đánh giá cao của sinh viên. Ít nhất tham gia giảng dạy một học kỳ bằng tiếng nước ngoài. Được mời làm việc ở nước ngoài (tối đa 20 điểm).

(2) Phát triển thành công các hoạt động giáo dục: Phát triển các chương trình đào tạo, giới thiệu các chủ đề mới, sáng tạo, phương pháp đào tạo mới, viết giáo trình cho các trường đại học, cao đẳng... ( tối đa 40 điểm).

Tổng cộng hai phần (1) và (2) phải đạt tối thiểu 60/100.

2.3. Đánh giá cho điểm:

     Tổng số điểm hai nhiệm vụ trên là 200, mỗi nhiệm vụ tối đa là 100 điểm nhưng phải đạt tối thiếu là 60 điểm. Căn cứ vào tổng số điểm xếp loại như sau:

(1) Đạt yêu cầu : 150 – 200 điểm và phải có ít nhất một nhiệm vụ đạt xuất sắc và một nhiệm vụ đạt Trung bình khá.

(2) Không đạt yêu cầu: bằng hoặc thấp hơn 150 điểm.

Trong một nhiệm vụ được xếp loại theo 4 mức độ sau đây:       

-  Xuất sắc:             81 – 100 %       81 -100 điểm      

-  Trung bình khá:   60 - 80 %           60 - 80 điểm       

-  Trung bình:          41 -59 %            41 – 59 điểm       

-  Yếu:                    11 - 40 %           11 – 40 điểm       

- Chất lượng kém:     <10 %              max 10 điểm

III. QUY TRÌNH XÉT ĐẠT TIÊU CHUẨN VÀ PHONG PGS, GS:

3.1. Quy trình xét đạt tiêu chuẩn:

     Tại các cơ cở đào tạo đại học, mỗi ngành chuyên môn trong trường đều thành lập Hội đồng của ngành mình, ngoài ra Trường có một Hội đồng chung (gọi là Hội đồng Giáo sư Trường – HĐGS Trường ) trong đó có đại diện của tất cả các nhóm ngành KH (theo quy định của MAB có 8 nhóm ngành KH như đã nêu ở phần II). Việc đề xuất phong GS, PGS căn cứ vào yêu cầu của các ngành chuyên môn ở các cơ sở nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và yêu cầu về chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy. Việc xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS được tiến hành ở trường qua 2 cấp hội đồng với 4 bước như sau:

(1) Lãnh đạo Ngành và các Trưởng khoa của Trường họp và thông qua chỉ tiêu tuyển GS, PGS trong từng thời kỳ (không nhất thiết hàng năm).

     Trên cơ sở các chỉ tiêu được thông qua, Trường thông báo công khai số lượng và tiên chuẩn các ứng cử viên GS, PGS cần tuyển dụng trên Website của trường. Trong thông báo này nêu rõ các yêu cầu về tiêu chuẩn mà các ngành đòi hỏi, như hướng nghiên cứu, khả năng hướng dẫn khoa học, các yêu cầu về giảng dạy và hướng dẫn luận án, hướng dẫn nghiên cứu sinh, các điều kiện cần có của ứng cử viên và thời gian bắt đầu nhiệm vụ của GS, PGS. Căn cứ vào thông báo các ứng cử viên trong và ngoài trường sẽ nộp Hồ sơ đăng ký.

(2) Sau khi hết hạn nộp Hồ sơ, Hội đồng chuyên môn của Ngành họp xét các ứng cử viên theo các tiêu chuẩn quy định và thông qua danh sách ứng cử viên đạt tiêu chuẩn.

(3) Họp Lãnh đạo Ngành với các Trưởng khoa bỏ phiếu với các ứng cử viên đã được Hội đồng chuyên môn của Ngành thông qua.Những ứng cử viên được thông qua ở cuộc họp này được giới thiệu lên Hội đồng Giáo sư của trường;

(4) Hội đồng Giáo sư trường họp xét và bỏ phiếu PGS, GS.

- Nếu ứng cử viên được thông qua là PGS thì Hội đồng GS trường đề nghị Hiệu trưởng ký Quyết định bổ nhiệm.

- Nếu ứng cử viên ở các trường cao đẳng được thông qua là GS thì Hội đồng Nghị sự của Trường xem xét và trình lên Bộ Nguồn nhân lực.

- Nếu ứng cử viên ở các trường đại học được thông qua là GS thì hồ sơ được chuyển lên Uỷ ban Kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng Hungary (MAB) để xem xét tiếp.

3.2. Quy trình xét Giáo sư đại học:

Quy trình xét Giáo sư được thực hiện tiếp qua 2 cấp Hội đồng và 2 bước sau:

(1) Hội đồng chuyên môn của MAB (Uỷ ban Kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng Hungary):

     Tại các Hội đồng Chuyên môn của MAB: Hồ sơ ứng cử cử viên sẽ được 2-3 chuyên gia chuyên môn đánh giá, nhận xét bằng văn bản và cho điểm. Như Văn bản hướng dẫn năm 2016 ghi rõ: Đánh giá được chia ra làm hai phần: phần 1 là các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học (tối thiểu đạt 60/100 điểm), phần 2 là các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động giáo dục (tối thiểu đạt 60/100 điểm), nhưng tổng cộng cả hai phần phải đạt được 150/200 điểm mới được đưa vào xét và bỏ phiếu bầu ở các bước tiếp theo (xem mục về đánh giá và cho điểm).

(2) Sau khi kết quả được thông qua ở Hội đồng chuyên môn của MAB, các Ứng cử viên sẽ được đưa ra xét và bỏ phiếu ở cuộc họp toàn thể của MAB. Phiếu bầu của các thành viên MAB chỉ ghi: Ủng hộ hoặc Không ủng hộ. Cuộc họp này thường vào tháng 5 để biểu quyết thông qua danh sách GS được phong của năm.

Ví dụ: Năm 2015 Hồ sơ ứng viên GS được chuyển về MAB là 136 nhưng tại cuộc họp chung toàn thể Thành viên Hội đồng của MAB, số lượng GS mới được thông qua là 107 (107/136), năm 2016 số lượng ứng viên GS được thông qua là 89/114.Sau khi kết quả được thông qua,  MAB sẽ thông báo công khai trên Website tên những ứng cử viên GS đã được thông qua. Đối với các ứng cử viên không được thông qua họ chỉ thông báo Ký hiệu Hồ sơ ứng cử viên (kèm theo Trường, Ngành ).  

     Như vậy ở Hungary việc xét đạt tiêu chuẩn PGS được xét qua hai cấp Hội đồng của trường ĐH, CĐ (HĐGS ngành và HĐGS của trường). Còn đối với GS đại học thì việc xét đạt tiêu chuẩn phải qua 2 cấp Hội đồng nữa: Hội đồng chuyên môn của MAB và Cuộc họp toàn thể của MAB.

3.3. Việc phong PGS, GS:

- Đối với phong PGS do Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ ký Quyết định.

- Đối với phong GS cao đẳng:  Hội đồng Nghị sự của trường xem xét sau đó gửi đề nghị lên Bộ Nguồn nhân lực kiểm tra danh sách GS được thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phong GS. 

- Đối với phong GS đại học: MAB kiểm tra danh sách GS đã được thông qua và trình lên Tổng thống ký Quyết định phong GS.

- Việc phong GS, PGS là do nhu cầu của các trường nên sau khi các ứng cử viên được phong chức danh này thì việc bổ nhiệm vào chức vụ và ký hợp đồng là trách nhiệm của các Trường.

3.4. Cơ cấu tổ chức của MAB (Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng Hungary)

     Hiện nay MAB có 20 thành viên do 1 Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary làm Chủ tịch. Nhiệm kỳ của Chủ tịch MAB là 6 năm. MAB có 8 Hội đồng chuyên môn là 8 nhóm ngành KH, mỗi Hội đồng chuyên môn có người đứng đầu (Chủ tịch) và các thành viên là các nhà KH được MAB mời tham gia.

IV. CHẾ ĐỘ LƯƠNG GS, PGS:

     Hungary quy định lương của GS, PGS đại học và cao đẳng theo nguyên tắc sau:

- GS đại học có 3 bậc (GS đại học bậc 1 hưởng lương là 100% thì lương GS bậc 2 là 103%, GS bậc 3 là 106%).

- PGS đại học có 4 bậc: PGS đại học bậc 4 là cao nhất (PGS này có bằng Dr. Habil) lương bằng 85%, bậc 3 = 76%, Bậc 2 = 73%, Bậc 1 = 70% lương của GS đại học bậc 1.

- GS cao đẳng có 4 bậc: GS cao đẳng bậc 4 là cao nhất (GS này có bằng Dr. Habil) lương bằng 90% lương GS đại học bậc 1; Bậc 3 = 81%; Bậc 2 = 78%; Bậc 1 = 75% lương của GS đại học bậc 1.

- PGS cao đẳng có 3 bậc: PGS cao đẳng bậc 3 =61% ; Bậc 2 = 58%;    Bậc 1 = 55% lương của GS đại học bậc 1.

     Hàng năm Quốc hội Hungary thông qua mức lương tối thiểu và mức lương của GS đại học bậc 1. Lương của GS, PGS, giảng viên, trợ giảng sẽ căn cứ vào đó và điều chỉnh theo tỷ lệ % như trên. Ví dụ, Năm 2016 lương tối thiểu được Quốc hội thông qua là: 129.000 Ft, lương GS đại học bậc 1 là: 437.300 Ft. Đầu năm 2016, chính phủ Hungary cam kết sẽ thực hiện việc tăng lương cho nhà giáo theo lộ trình: năm 2016 tăng 15%, năm 2017 và 2018 mỗi năm tăng thêm 5%, do vậy lương GS đại học bậc 1 năm 2016 là 502.900 Ft (Hiện nay 1 USD = 270 -280 Ft). 

     Trên đây là một số nội dung chính liên quan đến Quy trình xét phong GS, PGS ở Hungary. Trong quá trình thực hiện bài viết, Tác giả chân thành cám ơn Prof. Dr. Habil Bùi Minh Phong Trường ĐH Tổng hợp ELTE Hungary đã cung cấp nhiều thông tin rất bổ ích, giúp kiểm tra và hiệu đính bài viết. Tác giả chân thành cám ơn GS.TSKH Trần Văn Nhung TTK HĐCDGSNN đã cho nhiều ý kiến quý giá về nội dung bài viết. Trong bài viết nếu có vấn đề gì cần trao đổi thêm, mong nhận được mail góp ý của bạn đọc (E-mail của tác giả: tqquy@moet.edu.vn).

Cập nhật lần cuối: 10 Tháng 8 2016

Số lượt xem : 5675
Tin liên quan
Xem thêm :
Học bổng Nghiên cứu