Thầy giáo Bách Khoa chế tạo hơn 70% nhà máy bia VN

12/03/2019

Áo sơ mi, quần kaki trắng giản dị, "đậm chất" một ông đồ xứ Nghệ, lần đầu gặp mặt, khó ai có thể nghĩ rằng, PGS. TS Đinh Văn Thuận lại là Chủ tịch Tập đoàn Cơ điện lạnh Bách Khoa (Polyco), đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị nhiệt lạnh và thực phẩm, doanh thu 2.000 tỉ đồng/năm.


 Bắt Tây làm thầu phụ cho mình

Đích thân dẫn chúng tôi tham quan Nhà máy Chế tạo Thiết bị Nhiệt lạnh và Thực phẩm số 2 tại Khu công nghiệp Từ Liêm, PGS Thuận nói với chúng tôi rằng, đây là nơi ông cùng những người bạn, đồng nghiệp và học trò của mình thiết kế, chế tạo nên hơn 70% các nhà máy bia, thực phẩm tại Việt Nam trong 20 năm qua.

Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội (BK HN) rồi vào Đại học BK Đà Nẵng giảng dạy suốt 17 năm, tới năm 1996, PGS Đinh Văn Thuận mới quay trở lại Đại học BK HN. Ông đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng, thuộc Viện Khoa học Công nghệ (KHCN) Nhiệt lạnh Đại học BK HN.

PGS Đinh Văn Thuận, thiết kế, xây dựng, nhà máy bia, Bách Khoa, thầy giáo

PGS. TS. Đinh Văn Thuận. Ảnh: Lê Văn.

Trong gần 40 năm đứng trên giảng đường, PGS Thuận đã có hàng chục công trình nghiên cứu được ứng dụng thực tế, tiết kiệm cho nhà nước và các doanh nghiệp hàng ngàn tỉ đồng. Năm 2005, cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí - tự động hóa trong công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm" của ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao nhất về KHCN.

Thế nhưng, không muốn những kết quả nghiên cứu của mình dừng lại ở phòng thí nghiệm, điều khiến người thầy giáo Bách Khoa luôn trăn trở là làm sao để có thể đưa KHCN vào đời sống, nhất là với những kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt.

"Trước những năm 80-90, ngành cơ khí tự động hóa, công nghệ chế tạo thiết bị của Việt Nam còn rất hiếm. Các thầy giáo trong trường BK cũng ra ngoài làm ứng dụng KHCN nhưng chủ yếu làm cho các công ty nước ngoài", PGS Thuận kể lại.

Chính vì thế, PGS Thuận quyết định thành lập Polyco, một công ty riêng chuyên về thiết kế, chế tạo, xây dựng các dây chuyền sản xuất ngành nhiệt lạnh và tự động hóa. Đó là nơi ông, các đồng nghiệp và học trò ngành nhiệt lạnh, tự động hóa ứng dụng và thương mại hóa các nghiên cứu của mình.

Hai mươi năm qua là quãng thời gian khó khăn đối với PGS Đinh Văn Thuận khi ngoài niềm đam mê và các nghiên cứu, ông cũng như các đồng nghiệp bắt đầu mọi thứ với con số 0. Thế nhưng, nhưng vất vả không quật ngã khát vọng đem khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống nơi ông.

Vào thời điểm kinh tế rất khó khăn, PGS Thuận vẫn dám bỏ tiền túi, vay ngân hàng hàng trăm tỉ để xây dựng hẳn một dây chuyền sản xuất bia công suất 100 triệu lít/năm để thử thách năng lực của mình. Nhà máy sau đó trở thành nơi ông cùng những người đồng nghiệp triển khai thí điểm những kết quả nghiên cứu mới của mình.

Giờ đây, sau 20 năm mày mò, tự tìm lối đi, PGS Thuận và các đồng nghiệp đã làm chủ hoàn toàn công nghệ trở thành tổng thầu EPC của hàng trăm các nhà máy, dây chuyền sản bia, nước giải khát và thực phẩm với trình độ ngang với thế giới.

"Các sản phẩm chúng tôi làm ra được đồng bộ từ khâu thiết kế, chế tạo, tích hợp hệ thống điều khiển tự động cho tới khâu đào tạo công nhân, cán bộ nhà máy. Tuy nhiên, giá cả của chúng tôi chỉ bằng một nửa so với chi phí nhập ngoại", PGS Thuận khẳng định.

Tuy nhiên, đối với vị thầy giáo 40 năm đứng trên bục giảng, điều quan trọng nhất những người như ông được tự tạo ra các sản phẩm của mình chứ không còn phải đi làm thuê cho nước ngoài nữa. "Giờ đây mình không phải làm thầu phụ cho Tây nữa mà là tổng thầu, bắt Tây phải thầu phụ cho mình. Đó là niềm tự hào của các nhà khoa học Việt Nam", PGS Thuận nói.

PGS Đinh Văn Thuận, thiết kế, xây dựng, nhà máy bia, Bách Khoa, thầy giáo

Một công nhân đang sản xuất phần nắp của tank ủ bia tại nhà máy. Ảnh: Lê Văn.

Giấc mơ vườn ươm công nghệ

Nhiều người nói rằng, các nhà khoa học Việt đang thiếu một tinh thần doanh nhân, khiến các kết quả nghiên cứu nằm trong ngăn kéo hơn là được ứng dụng trong thực tiễn. Thế nhưng, ở PGS Đinh Văn Thuận, ông không chỉ là một nhà khoa học có tinh thần doanh nhân. Bản thân ông là một doanh nhân thực thụ và đầy bản lĩnh.

Thế nhưng, dù hiện tại là người đứng đầu một doanh nghiệp cơ khí chế tạo hàng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm, PGS Đinh Văn Thuận vẫn không quên cái "gốc gác" của mình là một nhà khoa học.

Theo PGS Thuận, Đại học Bách Khoa HN khác với những trường khác là bởi vì nghiên cứu khoa học tại đây luôn đặt mục tiêu ứng dụng trong sản xuất.

Chính vì vậy, trong ý tưởng của mình, ông luôn xây dựng Polyco theo mô hình của một vườn ươm khép kín, "nơi nuôi dưỡng ý tưởng, trí tuệ và công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam". PGS Thuận gọi đó là mơ ước suốt cả một đời của mình và nay đã thành hiện thực.

Có lẽ hiếm có một công ty nào tại Việt Nam lại tập trung trong quần thể của mình một cả viện nghiên cứu và cả một trường đại học. Hiện tại, Viện Công nghệ Việt Đức, một viện nghiên cứu về công nghệ thực phẩm và Đại học Công nghệ Đông Á đều nằm trong khuôn viên của Polyco.

PGS Đinh Văn Thuận nói rằng, đó là nơi sản sinh ra những ý tưởng, những công trình nghiên cứu được ứng dụng vào hàng trăm nhà máy, dây chuyền sản xuất từ bắc chí nam.

"Chẳng hạn như chúng tôi vừa làm xong hệ thống tiết kiệm năng lượng cho hệ thống lạnh cho nhà máy, tiết kiệm được tới 25% công suất điện so với hệ thống cũ. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng ra các nhà máy trong cả nước", PGS Thuận chia sẻ.

Với những hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm chế tạo của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ thực sự giành được cơ hội khi KHCN Việt Nam nắm giữ được phần cốt lõi của ngành công nghiệp chế tạo ấy. Để làm được điều đó, rất cần những nhà khoa học – doanh nhân như PGS Đinh Văn Thuận và những người đồng chí hướng với ông.

Lê Văn

(Nguồn: Vietnamnet)

Số lượt xem : 2766
Tin liên quan
Xem thêm :
Học bổng Nghiên cứu