Khái quát về qui trình xét công nhận chức danh Giáo sư ở Cộng hòa Liên bang Đức

12/03/2019

KHÁI QUÁT VỀ VIỆC XÉT, CÔNG NHẬN GIÁO SƯ Ở CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC

 

PGS. TS. Nguyễn Minh Mẫn, Ủy viên Thư ký, Văn phòng HĐCDGSNN

 

 

Một vài thống kê

- Tính đến thời điểm 2014, tại 428 trường đại học của CHLB Đức có 45.749 giáo sư làm việc, gồm 35.687 nam, 10.062 nữ.

- Tính chung trong khoảng thời gian (2008-2014) số lượng giáo sư tăng bình quân hàng năm khoảng 14%.

- Số lượng sinh viên đại học trong tất cả các ngành trên toàn nước Đức năm học 2014-2015: 2.698.000. Như vậy, bình quân là 1,7 giáo sư trên 100 sinh viên.

Phân loại:

Trước năm 2005, Giáo sư được phân thành 04 loại:

- Professor C1: Trợ lý khoa học

- Professor C2: (Dozent) được gọi chung là giáo sư đại học tại các trường đại học và cao đẳng ứng dụng (Hoch-und Fachschule)

- Professor C3: bao gồm một phần thuộc diện C3 và một bộ phận thuộc giáo sư đại học khoa học - Universität Professor (C4)

- Professor C4 (Universität Professor)

Từ năm 2005, theo quy chế mới của Liên bang, việc phân loại giáo sư có sự đổi mới căn bản. Theo đó, được phân ra 3 nhóm:

- W1: Giáo sư sơ cấp (Juniorprofessor): Thực chất đây là những giáo sư dự bị, bổ nhiệm có thời hạn trong 03 năm; sau 03 năm nếu được đánh giá tốt thì gia hạn thêm 03 năm nữa, với mức thù lao được hưởng cơ bản không tăng.

- W2 và W3: Giáo sư chính ngạch. Khi được bổ nhiệm là giáo sư chính ngạch thì về nguyên tắc những người này sẽ được hưởng quy chế giáo sư suốt đời, nhưng trải qua 02 giai đoạn: Giai đoạn đầu được bổ nhiệm có thời hạn 03 đến 08 năm tùy quy định của từng tiểu bang (W2); sau thời gian đó sát hạch lại, nếu đạt kết quả tốt thì chuyển sang ngạch W3 (suốt đời).

- Tuy không có sự phân biệt trong quy định, nhưng cũng như ở Mỹ và ở các quốc gia khác, chức danh giáo sư ở Đức áp dụng cho cả ba ngạch: nghiên cứu (research), giảng dạy (teaching) và hỗn hợp (reseach and teaching).

Tiêu chuẩn và quy trình xét

Tiêu chuẩn và điều kiện để được xét giáo sư gồm:

1. Đã hoàn thành luận án TSKH (habil) đạt trình độ quốc tế;

2. Có năng lực và kinh nghiệm sư phạm;

3. Có đủ công trình khoa học công bố theo danh mục quy định (tính điểm);

4. Trình bày báo cáo khoa học trước Hội đồng thẩm định (Berufungs komimission)  trong thời gian 150 phút và 01 bài giảng ra mắt được Hội đồng thẩm định chấp nhận;

          Hội đồng thẩm định liên ngành thông thường được tổ chức gồm đại diện của 05 đến 07 ngành với số lượng tối thiểu là 21 thành viên;

5. Về thời gian, đối với các ứng viên tại các trường ứng dụng và định hướng nghề nghiệp phải có ít nhất 05 năm thực tế, trong đó có 03 năm làm việc ở ngoài trường.

          Theo quy định chung, các ứng viên thuộc các lĩnh vực đặc thù (như nghệ thuật) phải chứng minh được là có trình độ nghề nghiệp xuất sắc hoặc có công trình “để đời”. Riêng đối với các trường sư phạm, ngoài luận án tiến sỹ, ứng viên còn phải qua thẩm định, đánh giá của Hội đồng về năng lực sư phạm và 02 môn thi quốc gia về nghiệp vụ sư phạm và đào tạo.

          Việc xét chọn giáo sư về cơ bản được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh (đặc biệt là đối với ngạch W2 và W3). Thông thường với mỗi vị trí được lựa chọn từ 2 đến 7 ứng viên.

          Chính vì tiêu chuẩn theo quy định rất nghiêm ngặt và trình tự chặt chẽ nên độ tuổi giáo sư khi được bổ nhiệm tại Đức khá cao (bình quân 40 tuổi).

          Đáng lưu ý là hàng năm Chính phủ Đức có ấn định về số lượng giáo sư sẽ được xét bổ nhiệm ở từng ngành, lĩnh vực khác nhau nhằm bảo đảm sự phát triển cân đối về chuyên môn và khu vực. Cho đến nay cơ chế này được xem là khá linh hoạt và có hiệu quả, vì nó tạo điều kiện để các trường vùng xa, vùng khó khăn vẫn có đủ tỷ lệ giáo sư cần thiết, cũng như tạo cơ hội cho các giáo sư trẻ có điều kiện phát triển.

Về thu nhập của giáo sư

          Đối với giáo sư dự bị (Juniorprofessor): Nhiệm kỳ đầu 03 năm và 03 năm tiếp theo nếu được kéo dài thì chế độ được hưởng cơ bản không khác nhau.

          Đối với giáo sư chính ngạch, nhìn chung chế độ cũng không khác biệt nhiều, chủ yếu chỉ là số lượng nhân viên giúp việc.

          Thu nhập của giáo sư trường công lập ở Đức bình quân là 63.848€/năm (tương đương 98.000 US $); trường tư 86.300 (127.000 US $). Nếu so sánh thì thấp hơn ở nhiều nước. (Ví dụ Mỹ: 81.000 đến 106.000€; Thụy Sỹ từ 102.000 đến 149.000€; Anh: 70.000€…). Lý do chính là chính sách bảo đảm công bằng xã hội, không tạo ra sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các đối tượng.

          Đáng lưu ý là ở Đức, giáo sư được bảo đảm cả về mặt pháp luật hình sự  trước các hành vi cản trở giao dịch quốc tế, cũng như việc ấn loát tài liệu khoa học của giáo sư (Điều 132 khoản 1 Bộ Luật Hình sự: CHLB Đức).

 

Tài liệu tham khảo:

- Studieren.de © x study SE (1997-2014).

www.Forschung-und Lehre.de/10929.

- Merkbtatt über die Vorausefzungen und den Verfahrensablauf für

Professorernennung (PPF).

- Das Statistik-Portal (de.statista.com).

- Freie Presse – (28.8.2015).

- Tassilo Schmitt: Berufungsverfahren im internationlen Vergleich,

 Arbeitspapier Nr.53, März 2004.

Tháng 5/2016

 

Cập nhật lần cuối: 14 Tháng 6 2016

Số lượt xem : 5590
Tin liên quan
Xem thêm :
Học bổng Nghiên cứu