Diễn văn tại Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông

12/03/2019

08      09

(Ảnh do Trần Văn Nhung cung cấp)

 (Download tại đây)

Thưa các quý vị

Hàng nghìn năm qua, trong lịch sử dân tộc, ánh sáng nhiệm màu của Đạo từ bi trí tuệ luôn tỏa rạng, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, con người và đất nước Việt Nam. Trong đó có những con người đã hội tụ được những tinh hoa thần khí của non sông đất nước mà trở nên đại hùng đại lược, đại trí tuệ, đại từ bi, Trần Nhân Tông, đức Điều Ngự giác hoàng là một người như vậy.

Hôm  nay chúng ta cùng có mặt ở nơi đây để chứng kiến lễ ra mắt viện mang tên Trần Nhân Tông, chứng kiến cho một sự kiện quan trọng trong  học thuật nói chung và nghiên cứu giáo dục Phật học nói riêng. Thay mặt cho lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo viện Trần Nhân Tông, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các vị khách quý đã tới tham dự buổi lễ, xin kính chúc các quý vị một xuân mới bình an, hòa lạc.

Kính thưa các quý vị

ĐHQGHN là một đại học lớn đa ngành, đang ngày càng phát triển với sứ mệnh tiên phong nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực khoa học cơ bản, mới, liên ngành, góp phần giải quyết các vấn đề khoa học, vấn đề văn hóa, tư tưởng và giáo dục tầm quốc gia và quốc tế. Đào tạo nhân tài và nghiên cứu chất lượng cao là định hướng lớn mà ĐHQGHN đã kiên trì từ khi thành lập tới nay.

Kể từ năm 2011, nhận thức được tầm quan trọng của việc hình thành một đơn vị cấp thành viên nghiên cứu đào tạo chuyên sâu về văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghiên cứu Phật học và Phật giáo Việt Nam, nhằm tác động tích cực vào việc phát triển con người và văn hóa dân tộc trong thời đại mới, ĐHQGHN đã lập đề án thành lập viện Trần Nhân Tông. Đề án đã sớm được hoàn tất, tuy nhiên phải nhiều năm tháng sau, nó mới hội đủ nhân duyên và tháng 9 năm 2016 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông, trực thuộc ĐHQGHN. Đây là sự kiện có nhiều ý nghĩa, được các cơ quan văn hóa, giáo dục, khoa học, tôn giáo cùng các cá nhân trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại.  Sự ra đời của Viện là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tôn vinh của xã hội đối với tư tưởng Trần Nhân Tông cũng như sự hiểu biết thâm nhập của các học giả thuộc cả giới tu hành và thế tục đối với di sản Trần Nhân Tông và thiền Trúc Lâm đã đạt tới mức độ chín cần thiết. Đây cũng là sự thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của ĐHQGHN trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện cho trước mắt cũng như lâu dài.

Kính thưa các quý vị đại biểu

Trần Nhân Tông là một ông vua, là nhà tu hành mẫu mực của một thời đại Phật giáo và chính trị mẫu mực thế kỷ XIII. Đây là thời kỳ tinh thần dân tộc thăng hoa, văn hóa, tư tưởng và trí tuệ đạt tới tầm cao khó lặp lại trong suốt thời kỳ trung đại. Ở ông chúng ta thấy tinh thần Phật giáo giải thoát trí tuệ mạnh mẽ, năng lượng trí tuệ sung mãn. Ông đã chỉ huy quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Mông Cổ hung hãn, mà nó chính là biểu hiện của tình yêu xã tắc, yêu cái thiện và đấu tranh cho cái thiện, tiêu diệt và ngăn chặn cái ác với quy mô và tầm vóc vĩ đại mang tầm quốc gia,quốc tế và tầm nhân loại.  Ông hội được những phẩm chất, tạo được đức nghiệp mà hiếm ông vua nào trong lịch sử việt Nam có được. Ông là ông vua anh hùng buổi cứu vong dân tộc, là nhà chính tri có tầm nhìn xa rộng, đã thực thi tư tưởng cai trị khoan giản an lạc, cai trị hướng tới sự hòa hợp bình yên và nhân đạo. Ônglà người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm mang dấu ấn Việt sâu sắc,  người nghệ sĩ với những bài thơ bất hủ và là nhà nhân văn chủ nghĩa có sức cảm hóa hàng triệu triệu con người.

Ông là một thiền sư có tư tưởng lớn, và để lại rất nhiều ảnh hưởng. Cuộc đời tu hành của ông chứng ngộ nhiều quả vị và đã đúc kết truyền lại cho người khác. Ông vừa có phong thái bậc trượng phu trung hiếu, vừa có vóc dáng bồ tát trang nghiêm. Ông  kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội, tạo đặc sắc cho đường tu, kết dựng Thiền phái, …Tư tưởng hòa quang đồng trần, giải thoát không rời thế gian, niết bàn thị sinh tử, sinh tử thị niết bàn, bất nhị pháp môn…là những tư tưởng quan trọng mà ông đem dẫn dắt Thiền phái và nhân sinh. Với những đóng góp và ảnh hưởng đặc biệt to lớn cả quá khứ, hiện tại và tương lai, Ông là Thiền sư duy nhất được tôn là Phật Hoàng.Trần Nhân Tông là nhà văn hóa, với chữ Nôm và phú Nôm, Ông là nghệ sĩ tài hoa khởi đầu cho dòng văn học viết bằng chữ Nôm. Ông là thi sĩ Phật giáo có sự thăng hoa và kết hợp hài hòa giữa Thiền ngộ và thi hứng, thiền lý và thi tình, giữa thiền thú và thi tài, giữa cảm hứng dân tộc và cảm hứng tôn giáo, giữa hùng văn và trữ tình.

Trần Nhân Tông là tên gọi, là một danh nhân, nhưng cũng đã là một tinh thần, một giá trị. ĐHQGHN thành lập viện  mang tên ông, với mong muốn làm sống động lại và phát huy một tinh thần. Tinh thần của đề cao trí tuệ, của hoàn thiện con người, khai mở những năng lực không giới hạn của trí tuệ và ý chí tu dưỡng rèn luyện tuyệt vời của con người, là sự kết hợp của tình yêu thương và hòa hợp, của hòa bình hữu nghị, là sự kết hợp giữ tinh thần dân tộc và tinh thần bác ái nhân văn, sự đề cao tự do của con người đạt tớibằng giải thoát trí tuệ và sự bình đẳng của tất thảy chúng sinh. Tinh thần ấy với khẩu hiệu hành động :đạt đỉnh cao dựa vào tri thức và định hướng phát triển giáo dục con người một cách toàn diện của ĐHQGHN dẫu cách nhau trên 700 năm mà vẫn có nhiều điều không hẹn mà hòa nhịp, không kết nối mà thành dòng. Thành lập viện Trần Nhân Tông trong ĐHQGHN, chúng tôi muốn đem ánh sáng của trí tuệ, lòng từ bi và nhân ái, tình yêu thương rộng lớn của Trần Nhân Tông rạng tỏa cho hậu thế qua con đường giáo dục.

Ngày nay khi mà những vấn đề con người, giá trị người và quan hệ xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề gay gắt cần giải quyết, hệ giá trị đang có những chao đảo và thách thức, khi mà định hướng cho cá nhân đang có những khủng hoảng… khi mà cái ác đang thách thức cả cộng đồng xã hội và nhân loại… thì tinh thần nỗ lực giác ngã giác tha, tư tưởng hòa hợp và yêu thương của ông, tấm gương của ông, trí tuệ của ông là di sản quý cần  làm hiện đại hóa và phát huy cho thời hiện đại, theo tinh thần kết nối và phát triển từ truyền thống đi tới hiện đại và tương lai.

Phật học là một loai trí tuệ đặt biệt, Phật giáo là một tôn giáo của thiện nguyện và từ bi. Kinh tế thị trường tạo ra những của cải xã hội to lớn và sự pháttriển, nhưng bản chất của thị trường là tranh đấu và lấy nhân dục, khơi phát nhân dục là gốc, do đó nếu không có sự điều tiết và thăng bằng lại, nó sẽ đẩy con người về phía cái ác, làm gia tăng khủng hoảng cá nhân… Nếu không có sự kiểm soát và điều tiết tinh thần con người phù hợp, kinh tế thị trường cạnh tranh vị lợi rất có thể làm cho cái bể khổ của con người vốn không có bờ bến càng sâu và rộng thêm. Trong kinh tế thị trường, sự phát triển của đời sống kinh tế và vật chất đã đem lại cho hệ thống Phật giáo nhiều công trình mang tính vật chất to lớn, chùa tháp nguy nga hơn bao giờ hết, nhưng Phật giáo cũng bị đặt trước thách thức lớn và mới mang tính phi truyền thống. Chùa tháp, tượng vàng nhà ngọc to đẹp đómới chỉ là phương tiện, nếu thiếu nhân tố con người dẫn dắt, thiếu tăng tài, ni đức, thiếu nhân tố trí tuệ sáng suốt và hạnh nguyện mẫu mực thì chẳng những phương tiện đó không phát huy tác dụng mà còn có thể dẫn người ta tới chỗ mê lầm lạc lối xa thêm.Và theo đó nếu chỉ biết chăm chú đầu tư cho phát triển vật chất chùa tháp, có thể có công đức to lớn nhưng cũng có thể ngược lại chất phủ thêm mê đắm cho người.

Chúng ta kỳ vọng, với một viện nghiên cứu mang tính học thuật cao trong lòng đại học hàng đầu của Việt Nam, Viện Trần Nhân Tông sẽ là nơi từ góc độ học thuật tôn lên dòng lành mạnh, chân tu và trí tuệ của Phật giáo, góp phần phát triển tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, của tư tưởng Trần Nhân Tông và văn hóa đời Trần, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, góp phần vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam mới trong thời đại toàn cầu hóa.

Viện Trần Nhân Tông thành lập và đi vào hoạt động sẽ cố gắng qua các công trình nghiên cứu chuyên sâu khơi dòng chân đạo của Phật giáo, làm sáng tỏ thêm và đầy đủ thêm di sản tinh thần của  Trần Nhân Tông,  thời đại ông, văn hóa đời Trần, Trúc Lâm và văn hóa truyền thống Việt Nam. Thông qua hoạt động đào tạo, chủ yếu ở bậc Tiến sĩ, Viện sẽ cố gắng đào tạo những người tu hành tài năng làm hạt nhân phát triển Phật học mang tính nhân văn. Viện sẽ tích cực hoạt động xã hội kết nối yêu thương, giao lưu văn hóa, học thuật trong và ngoài nước để củng cố đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.

Đại học Quốc gia Hà Nội nhận thức được được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và sứ mệnh của viện Trần Nhân Tông và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Viện phát triển và hoàn thành tốt nhất sứ mệnh. Chúng tôi, những người lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông nguyện sẽ hết lòng, hết sức vì đại sự nghiệp giáo dục và học thuật mà Viện đã lựa chọn.

Kính thưa các quý vị

Viện Trần Nhân Tông là tổ chức khoa học và đào tạo đặc thù, đặc biệt, việc quyết định thành lập Viện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước tới văn hóa truyền thống dân tộc và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo đối với văn hóa tư tưởng, tôn giáo truyền thống. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tới lãnh đạo các bộ ngành, các tổ chức cơ quan đã ủng hộ cho sự ra đời của Viện trong suốt thời gian vừa qua. Cảm ơn các giáo sư Mai Trọng Nhuận, GS Vũ Minh Giang, GS Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ, những người đã cho triển khai ý tưởng thành lập viện trong thời gian vừa qua.

Viện Trần Nhân Tông là viện nghiên cứu thành viên mới của Đại học Quốc gia, xây dựng và phát triển hướng tự chủ và tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán và huy động nguồn lực từ xã hội cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Trong quá trình xây dựng đề án thành lập Viện và khởi động soạn thảo đề án đào tạo Tiến sĩ Phật học vừa qua, chúng tôi đã nhận được nhiều ủng hộ và hỗ trợ của các tập thể và cá nhân. Từ ủng hộ tinh thần tới góp ý kiến xây dựngđề án và định hướng phát triển. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, tới Ban trị sự giáo hội phật giáo các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, chân thành cảm ơn GS Hoàng Quang Thuận đã tặng cho Viện bộ sách rất có giá trị, cảm ơn  bác Trần Văn Sen chủ tịch dòng họ Trần Việt Nam với tặng vật đặc biệt, cảm ơn Công ty cổ phần Tùng Lâm, cảm ơn Thượng tọa Thích Thanh Phong, Thượng tọa Thích Thanh Quyết,    ông Ngô Doãn Thăng… cùng nhiều đơn vị và cá nhân khác đã hỗ trợ tâm đức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Viện.

ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học số 01 ở VN đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Tuy nhiên nghiên cứu và đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học là việc lớn, mới và khó, lãnh đạo VNU và lãnh đạo viện Trần Nhân Tông hy vọng nhận được sự hỗ trợ, kết nối và hợp tác của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cả xuất gia và tại gia, đạo và đời cùng góp sức. Chúng tôi rất mong phía lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam sát cánh và hỗ trợ toàn diện cho Đại học Quốc gia và cho Viện Trần Nhân Tông. Rất mong cácviện Hàn Lâm, viện nghiên cứu, các trường đại học, các Phật học viện trong nước, các thiền viện phối hợp chặt chẽ, chung tay góp sức xây dựng và phát triển sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu Phật học.

Trong thời gian sắp tới, việc xây dựng cơ sở của viện tại núi Hòa Quang (núi Thằn Lằn) trên Hòa Lạc, đủ rộng rãi và khang trang tương xứng với vị trí vai trò của Viện cần nhiều nguồn nhân lực và vật lực, chúng tôi kêu gọi các cá nhân và tập thể những người tâm huyết hãy góp sức cùng với chúng tôi, vì sự nghiệp chung.

Cuối cùng, xin cảm ơn toàn thể các quý vị đã về dự buổi lễ ngày hôm nay, cảm ơn các tập thể và cá nhân đã tặng hoa và gửi lẵng hoa chúc mừng, xin kính chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc, an nhiên tự tại…

 

Nguyễn Kim Sơn

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

           Viện trưởng viện Trần Nhân Tông

Số lượt xem : 2390
Tin liên quan
Xem thêm :
Học bổng Nghiên cứu