Cuộc tọa đàm về “Tiếng Anh và hội nhập quốc tế”

12/03/2019

1443881282.nv1

Tối hôm qua, 2/10/2015, tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, tôi đã được tham dự cuộc gặp mặt và tọa đàm với các nhà quản lý, các thầy cô giáo và sinh viên Hà Nội về chủ đề "Tiếng Anh và hội nhập quốc tế", do Sở Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, tổ chức và TS Nguyễn Mạnh Hùng, CEO của Cty Thaihabooks, chủ trì. Tất nhiên, khi nói về tầm quan trọng và cách học tiếng Anh thì MC Nguyễn Ngân Hà mời các thầy cô giáo tiếng Anh, trong đó có ThS Đào Thu Hiền từ ĐH Colombia và Harvard (Mỹ) về và TS Nguyễn Mạnh Hùng, TS Trần Trọng Thành. Tôi là người ngoại đạo nên chỉ góp được vài ý kiến nhỏ về hội nhập quốc tế. Tôi cho rằng để hội nhập quốc tế thì tiếng Anh và CNTT đành rằng là rất quan trọng, nhưng đấy mới chỉ sự quan trọng của công cụ hội nhập. Cái căn bản và cái quyết định sức mạnh và hiệu quả hội nhập quốc tế của VN vẫn là “phần mềm” bên trong cái “vỏ” tiếng Anh + CNTT, đó là sự chuẩn bị công phu, bài bản và khẩn trương về kiến thức, văn hóa, giáo dục, sự tinh thông nghề nghiệp, sự tự tin, tính khiêm tốn, sự trung thực, ... Nói cho gọn lại là cái phông, cái nền văn hóa quyết định khả năng hội nhập. Nó rất tổng quát nhưng cũng rất cụ thể: Khi ta đi ra, người ta đi vào để hợp tác, để làm ăn, thì văn hóa giao tiếp, văn hóa đàm đạo, văn hóa công cộng, văn hóa giao thông, văn hóa lễ tân, ..., là những cái đầu tiên bạn nhìn, bạn có ấn tượng, bạn hiểu về ta.

Chỉ còn mấy tháng nữa thì hết 2015, chúng ta đã là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và còn là thành viên của bao nhiêu tổ chức quốc tế quan trọng khác nữa. Chúng ta rất mừng khi thấy Đảng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các ban/bộ/ngành khác đã chỉ đạo và chuẩn bị tốt cho hội nhập quốc tế, đầu tiên là hội nhập kinh tế. Tuy nhiên vẫn rất cần tiếp tục làm rõ: Chiến lược, kịch bản và sự chuẩn bị tổng thể của chúng ta đã đến đâu? Cụ thể: Ai lo, ai chuẩn bị cho việc này, phối hợp như thế nào, từ chiến lược cho đến kỹ thuật đã được chuẩn bị đến đâu? Nói riêng là tiếng Anh của Việt Nam hiện nay và 5-10 năm nữa sẽ như thế nào trong ASEAN? Nếu tiếng Anh chưa đủ tốt thì chúng ta sẽ thua thiệt thế nào, đến đâu, bao nhiêu? (Tôi đặt ra câu hỏi này, vì chính mình đã phải “lặn lội” mãi để tự học tiếng Anh khi đã cứng tuổi, học mãi vẫn kém, vẫn không vào, đã “thấm đòn” và phải trả giá như thế nào.) Là những người Việt Nam, đầu óc không đến nỗi, chúng ta sẽ ra sao trong cuộc chơi "đá bóng sân lớn" này, chứ không phải "đá bóng sân gôn tôm" nữa? Thua, thắng hay hòa? Ở đây tôi dùng chữ "cuộc chơi" và “thua, thắng” cho dân dã thôi, chứ “chơi” có văn hóa đương nhiên phải luôn "fairplay". Rất đáng mừng là thế hệ trẻ của ta nay giỏi hơn cha chú nhiều và sẽ hội nhập quốc tế đầy bản lĩnh để thành công.

GS. TSKH. Trần Văn Nhung

Cập nhật lần cuối: 26 Tháng 10 2015

Số lượt xem : 3019
Tin liên quan
Xem thêm :
Học bổng Nghiên cứu