Báo cáo kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015
BÁO CÁO KẾT QUẢ XÉT CÔNG NHẬN
ĐẠT TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GS, PGS NĂM 2015
(Báo cáo của Trần Văn Nhung, TTK HĐCDGSNN, tại Buổi lễ
được tổ chức ngày 12/11/2015 ở TTHNQG, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội,
khi trình bày đã được rút gọn)
Báo cáo gồm bốn phần:
Mở đầu
35 năm, một chặng đường
Đợt xét năm nay, 2015
Kết luận
Mở đầu
Sáng sớm hôm nay, GS. BT. Chủ tịch Phạm Vũ Luận đã dẫn đầu đoàn HĐCDGSNN cùng đại diện các GS, PGS mới đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội kính cẩn thắp hương trước bàn thờ các bậc Tiên thánh, Tiên hiền mở nguồn đạo học, Hoàng đế Lý Thánh Tông, Hoàng đế Lý Nhân Tông, Hoàng đế Lê Thánh Tông, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An cùng liệt vị danh nhân văn hoá nước Việt, để cầu chúc cho sự học của nước nhà ngày càng hưng thịnh, cho sự “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực …”* tiến tới thành công và xin phép năm nay được chuyển địa điểm làm lễ về Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Thừa ủy quyền của GS. Chủ tịch Phạm Vũ Luận, tôi xin báo cáo tóm tắt kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015. Trước tiên, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các Đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị khách quý, các vị đại biểu, và xin đề nghị tất cả chúng ta có mặt tại đây cùng nhiệt liệt chúc mừng 52 GS và 470 PGS mới được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh năm nay, 2015, những người giàu bản lĩnh khoa học, tự tin và xứng đáng!
Đã thành thông lệ tốt đẹp: Hàng năm, vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, HĐCDGSNN lại long trọng tổ chức Lễ Công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Nhưng bối cảnh năm nay có gì mới, có gì khác các năm trước? Đó là hai nét mới: 1. Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ được tổ chức vào năm sau và đây cũng là đợt xét công nhận GS, PGS gần nhất trước Đại hội. Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng Đảng ta sẽ sáng suốt lựa chọn được hiền tài làm nguyên khí quốc gia theo tinh thần đổi mới và sẽ có một số GS, PGS cả cũ và mới, được tín nhiệm cao để tham gia các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. 2. “Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập.”* Các GS, PGS cùng với đội ngũ trí thức là nguyên khí quốc gia để đi đầu trong hội nhập quốc tế.
Muốn vậy, chúng ta cần phải hợp tác, hội nhập nhanh chóng với ASEAN và thế giới về GD-ĐT và KH-CN, vì sự hội nhập này phải đi trước một bước thì mới kịp chuẩn bị để bảo đảm sức cạnh tranh và thắng lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Nói riêng, vấn đề xem xét, đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn TS, GS, PGS và bổ nhiệm GS, PGS cũng phải hội nhập với khu vực và quốc tế, từ tư duy, khái niệm, tiêu chuẩn khoa học cho đến cách thức tiến hành. Chính phủ, Bộ GD-ĐT và HĐCDGSNN đã chủ trương, hoan nghênh và thực hiện việc phân cấp và giao quyền tự chủ từng bước công việc này cho các cơ sở giáo dục đại học, theo một lộ trình vừa khẩn trương nhưng cũng phải vừa bảo đảm chất lượng khoa học quốc gia để hội nhập quốc tế. Khi phân cấp từng bước theo cách làm của các nước tiên tiến trên thế giới chúng ta cũng cần phải chú ý cả hai mặt: Tiệm cận quy trình tiên tiến, nhưng cũng phải tiệm cận chất lượng khoa học tiên tiến. Thực ra, trên thế giới, cùng với việc phân cấp và tự chủ đại học, dù cách làm có thể khác nhau, nhưng nước nào cũng có cơ chế kiểm định chất lượng đào tạo từ phổ thông lên đại học, ThS, TS và chất lượng xét, bổ nhiệm GS, PGS.
Thay mặt TTg Nguyễn Tấn Dũng, PTTg Vũ Đức Đam đã chỉ đạo HĐCDGSNN, Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất và trình TTg CP sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế, đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và HĐCDGSNN phối hợp khẩn trương thực hiện NĐ 141 về lương, tuổi làm việc và chính sách đối với TS, GS, PGS.
Các TS, GS, PGS mới thuộc bất cứ lĩnh vực khoa học nào, KHTN-CN hay KHXH-NV, trong thời hội nhập và cạnh tranh quốc tế, đều phải có những kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học đích thực được công bố trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế có uy tín cao, được thừa nhận rộng rãi và phải có những đóng góp hiệu quả cho đất nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề của mình. Tôi xin nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà bác học Pháp Louis Pasteur (1822-1895): “Khoa học không có tổ quốc nhưng nhà khoa học phải có một tổ quốc” để thấy trách nhiệm quốc gia và quốc tế của nhà khoa học thời hội nhập quốc tế ngày nay.
GS, PGS là các chức danh khoa học cao quý của các nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Được công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS vừa là vinh dự to lớn đồng thời cũng là trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước nhân dân, trước thế hệ trẻ của đất nước và mỗi GS, PGS phải tiếp tục phấn đấu vươn lên không ngừng để có thể hoàn thành sứ mệnh cao quý này. Được công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới với trách nhiệm nặng nề hơn, chứ không phải là điểm kết thúc một sự nghiệp khoa học.
35 năm, một chặng đường
Ngay từ những năm đầu của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để ghi nhận công lao và động viên giới trí thức trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, Nhà nước đã phong tặng chức danh GS cho một số nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu thời bấy giờ. Năm 1975 sau khi hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, chú trọng đến đội ngũ trí thức, đến giáo dục và đào tạo. Vì thế, ngay từ năm 1976, Nhà nước đã chủ trương cho bảo vệ luận án để cấp bằng PTS, TS (sau này gọi là TS, TSKH) ở trong nước và phong học hàm, công nhận chức danh GS, PGS, nhưng mãi đến năm 1980 mới xét phong GS, PGS lần đầu tiên ở Việt Nam. Trước năm 1980, Nhà nước đã phong chức danh GS cho 29 người, trong đó có 14 GS Y học. Thay mặt Hội đồng Chính phủ, ngày 29/4/1980 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký QĐ 131-CP công nhận chức vụ khoa học GS cho 83 cán bộ và PGS cho 347 cán bộ.
Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng số 153-HĐBT, do Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười ký ngày 25/9/1989, đã thành lập “Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước”, sau được đổi thành “Hội đồng Học hàm Nhà nước” trong Nghị định số 21/CP do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 4/3/1995. Gần đây nhất, ngày 19/9/2001, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 138/2001/QĐ-TTg thành lập “Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước”. Chủ tịch của Hội đồng qua các thời kỳ trong 35 năm qua (1989-2015) là các GS: Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, Phạm Minh Hạc, Nguyễn Thiện Nhân và Phạm Vũ Luận.
HĐCDGSNN được Thủ tướng Chính phủ thành lập và cho đến nay là một tổ chức duy nhấtcó chức năng ”giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc xét, công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư…” thống nhất trong cả nước. Hội đồng đã hoạt động được hơn 35 năm (1989-2015) lần lượt với ba tên gọi khác nhau qua các thời kỳ, luôn bám sát và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Thủ tướng giao phó, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng lực lượng cán bộ khoa học chất lượng cao cho đất nước.
Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh Nước VNDCCH cho đến nay, tổng số GS, PGS đã được phong và công nhận ở nước ta là 11.619, gồm có 1.680 GS và 9.939 PGS (số PGS gần gấp 6 lần số GS), trong số đó nhiều người đã mất và về hưu. Lực lượng GS, PGS mới chưa đủ để thay thế và bù kịp số cũ, nhất là số GS. Vì vậy gần 100% những người sau khi được HĐCDGS NN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, đều được các cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Chúng tôi xin nêu mấy con số và so sánh sau đây, để thấy số lượng (và cả chất lượng khoa học) của các GS, PGS Việt Nam, đỉnh cao nhất của nhà giáo, còn khá “mỏng” so với dân số trên 90 triệu người và so với đội ngũ giảng viên đại học nước ta.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2014-2015, tổng số SV ĐH là 1.825.000, số GV ĐH là 65.670, trong đó có 10.424 TS, 37.100 ThS, 536 GS và 3.290 PGS (tổng cộng cả GS và PGS là 3.826). Như vậy chỉ có xấp xỉ 0,06 GS và 0,36 PGS trên 1 vạn dân (hay 0,43 GS hoặc PGS trên 1 vạn dân); 5,8 GS hoặc PGS trên 100 GV đại học; 0,21 GS hoặc PGS trên 100 SV; trong các năm 2011-2015: 7,75% GS là nữ, 24,64% PGS là nữ, tính chung: 23,06% GS, PGS là nữ. Trong khi đó, ví dụ, Trung Quốc (theo số liệu của Bộ GD TQ năm 2010 và 2013): Dân số 1,36 tỉ; có 3,85 GS hoặc PGS trên 1 vạn dân; 0,22 GS hoặc PGS trên 100 SV; 14% GS và 29% PGS là nữ; ĐH Giao thông Thượng Hải TQ (số liệu 2013): Có 2,44 GS trên 100 SV, 31 GS trên 100 GV; CHLB Đức(2014): Có 3 GS trên 1 vạn dân và 1,7 GS trên 100 SV; CH Áo (2015): Có 0,62 GS trên 100 SV, GS nữ chiếm 22,2% (ở nước ta chỉ 9,6%, thấp hơn nhiều). ĐH Pittsburgh (Mỹ, năm 2014): Có 13,4 GS, PGS trên mỗi 100 SV. Con số này ở một số ĐH trọng điểm VN: ĐHQGHN 1,69 GS, PGS trên 100SV, ĐHQGTP HCM 0,42, ĐHBKHN 0,84ĐH Y HN 2,7, ĐH Thái Nguyên 0,024, … Cho đến nay, HĐCDGSNN mới chỉ công nhận đặc cách ba GS xuất sắc đã được bổ nhiệm ở nước ngoài, Ngô Bảo Châu (năm 2005), Vũ Hà Văn (2010) và Nguyễn Ngọc Thành (2011), là GS Việt Nam.
Sau đây tôi xin báo cáo tóm tắt kết quả đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015.
Đợt xét năm nay, 2015
Kết quả
Năm 2015, tổng số nhà giáo đăng ký từ đầu xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 681người (GS là 74, PGS là 607). Theo quy định, các ứng viên này được xét qua ba cấp, cấp cơ sở ở một trong 93 HĐCDGSCS, cấp ngành ở một trong 28 HĐCDGSN/LN và ở HĐCDGSNN. Kết quả cuối cùng: Đã có 52 người đạt tiêu chuẩn chức danh GS (đạt tỷ lệ 70,27%) và 470 người đạt tiêu chuẩn chức danh PGS (đạt tỷ lệ 77,43%). Nếu tính gộp cả GS và PGS thì cuối cùng được 522 người (đạt tỉ lệ 76,65%). Tức là gần ¼ tổng số ứng viên bị sàng lọc sau ba bước. Trong khi đó, ở 93 HĐCDGS Cơ sở (giáo dục đại học) trong cả nước thì tỉ lệ đạt chung ở bước một này là gần 91%, tức là cứ 100 ứng viên thì 91 người đạt. Vì 91% cao hơn nhiều so với 76,65% nên chúng ta phải lưu ý khi phân cấp từng bước cho các cơ sở giáo dục đại học để bảo đảm “mặt bằng” chất lượng khoa học quốc gia so với khu vực và quốc tế.
Năm nay (và các năm trước), trong số 28 ngành, các ngành sau đây có nhiều GS, PGS mới: Y (9 trên 52 GS, 66 trên 470 PGS), Kinh tế (3 GS và 53 PGS), Quân sự (3 GS và 34 PGS), Cơ khí-Động lực, Giáo dục, Hóa-CN Thực phẩm ... Ngược lại, các ngành Luyện kim, Cơ học và Toán học thường có ít GS, PGS mới. Đặc biệt, năm nay ngành Luyện kim không có ứng viên nào được xét đạt. Số PGS năm nay gấp hơn 9 lần số GS, nhưng trong cả quá trình 35 năm qua, chỉ gấp chưa đến 6 lần. Điều này cho thấy số GS đang giảm dần so với số PGS.
Nhận xét, đánh giá
HĐCDGSNN và Hội đồng các cấp ngày càng yêu cầu nâng cao chất lượng khoa học của các ứng viên theo hướng hội nhập quốc tế. Việc chuẩn bị hồ sơ của ứng viên đầy đủ, chu đáo, đúng quy định hơn. Việc xem xét, thẩm định ở các Hội đồng bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, công tâm. Cho đến nay chưa phát hiện những sai sót đáng tiếc xảy ra. Mặc dù vậy, quan niệm, mức độ đánh giá, tính điểm công trình khi thẩm định và xét duyệt của các Hội đồng vẫn còn có sự khác nhau. Các văn bản hướng dẫn cần phải được tiếp tục cụ thể hóa, chi tiết hóa và chú ý đến đặc thù của các lĩnh vực khoa học khác nhau.
Số ứng viên có các công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín cũng tăng lên, nhất là ở những ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, y học, ... Đáng mừng là, theo thống kê chưa thật đầy đủ, trong số 522 ứng viên năm 2015, đã có 165 người có bài đăng trên các tạp chí quốc tếcó uy tín. Ở lĩnh vực KHTN và CN có 1.811 bài báo khoa học loại SCI, SCIE, ISI và Scopus. Ở lĩnh vực KHXH và NV có 15 bài SSCI, A& HCI, ISI, Scopus. Tất nhiên, những kết quả khoa học này còn rất khiêm tốn và chúng ta cần vươn lên mạnh mẽ để theo kịp và hội nhập được với khu vực và thế giới. Trong những năm gần đây, năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của các ứng viên được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là số trẻ. Có ứng viên sử dụng tốt từ hai đến ba ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Từ 2016, HĐCDGSNN sẽ yêu cầu ứng viên và thành viên Hội đồng các cấp tiến tới sử dụng tối đa CNTT và online.
Nhờ chủ trương tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong 30 năm đổi mới vừa qua và các Đề án 322, 911 du học bằng ngân sách nhà nước của Chính phủ Việt Nam mà ngày nay chúng ta có được lực lượng các giảng viên đại học và cán bộ NCKH giỏi chuyên môn, thành thạo CNTT và ngoại ngữ, trên hết là tiếng Anh, có tác phong và thói quen làm việc, hội nhập quốc tế. Chỉ xin có lưu ý nhỏ đối với một số ít các LHS 322 và 911: Trên các công bố quốc tế của mình, nếu có thể được, xin nhớ ghi lời cám ơn Chính phủ Việt Nam đã cấp học bổng cho mình du học và ghi thêm tên trường ĐH, Viện NCKH của mình ở Việt Nam (ví dụ: On leave from University X, Vietnam), để những công bố quốc tế xuất sắc, vốn đã hiếm hoi, không chỉ được tính cho người nước ngoài mà cho cả người Việt Nam. (Chúng tôi xin lưu ý điều nhỏ này chỉ đối với một số rất ít LHS, có thể đã quên do sơ ý.)
Vật lý là ngành với 2 GS và 16 PGS mới nhưng có nhiều công bố quốc tế nhất, với 655 bài, bình quân 36,4 bài/người. Có 3 trên 28 ngành mà 100% tân GS, PGS có công bố quốc tế, đó là Vật lý, Toán học, và CNTT và 10 trên 28 ngành không có công bố quốc tế.
Các GS, PGS mới ngày càng được trẻ hóa: Dưới 50 tuổi là 321 người (61,49%), dưới 40 là 121 người (23,18%); tuổi trung bình của 522 GS, PGS là 47,64 (năm 2014 là 49); tuổi trung bình của 52 GS là 56,94 (năm 2014 là 58) và tuổi trung bình của 470 PGS là 46,62 (năm 2014 là 48). Có 129 nữ trên tổng số 522 GS, PGS (24,90%), trong đó có 5 nữ GS là Đỗ Hương Trà (GD học), Nguyễn Thái Yên Hương (Sử học), Lê Thị Thanh Nhàn (Toán học, nữ GS trẻ nhất), Hứa Thị Ngọc Hà (Y học) và Phan Thị Ngà (Y học). Có 5 PGS là người dân tộc ít người: 1 dân tộc Hà Nhì và 4 dân tộc Tày; 4 nữ, 1 nam.
Một điều đáng mừng là tỉ lệ giảng viên trong tổng số 522 GS, PGS mới của năm nay tăng lên, cao hơn so với năm 2014 và các năm trước: Số giảng viên cơ hữu chiếm tỉ lệ 82,38%, giảng viên thỉnh giảng 17,62% và giảng viên thỉnh giảng làm quản lý chỉ 4,21%. Trong những năm 1991-1992, các tỉ lệ phần trăm tương ứng là 57,34%, 23,55% và 19,11%. Như vậy, đã có thay đổi khá nhiều theo chiều hướng tốt dần lên. Về phân bố: Tỉ lệ GS, PGS mới của Hà Nội tiếp tục giảm dần, của TP HCM và các tỉnh, thành khác tiếp tục tăng dần theo hướng hợp lý và năm nay (2015) tương ứng là 63,03% , 18,00% và 18,97%.
Mấy điều đặc biệt của năm nay
GS trẻ nhất đợt năm nay là TS Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý, Phó Viện trưởng ITIMS, Trường ĐH Bách khoa HN, 43 tuổi, bố mẹ là nông dân người Huế; GS Hiếu là tác giả hoặc đồng tác giả của 130 công trình KH, trong đó 85 trên các tạp chí quốc tế ISI (60 SCI và 25 SCIE), hệ số H = 22 (tức là có 22 bài báo, mỗi bài được trích dẫn trên 22 lần). PGS Nguyễn Mậu Chung (Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) là tác giả và đồng tác giả của 8 bài báo trong nước, 261 ngoài nước, trong đó có 229 bài mang tên đại học Việt Nam, Hanoi University of Science (rất đáng hoan nghênh và khuyến khích!) Trong số 5 công trình khoa học tiêu biểu nhất, PGS Chung có một bài rất đặc biệt viết chung với Nhà Toán học huyền thoại, GS. Paul Erdős (1913-1996), người Hungary gốc Do Thái.
GS cao tuổi nhất đợt năm nay là TS Nguyễn Đức Lợi, 69 tuổi, ngành Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa HN. Như vậy cả hai điểm cực biên tuổi GS năm nay, 43 và 69, đều thuộc ĐHBK HN.
Kỷ lục trẻ nhất trong 35 năm qua là ba GS được công nhận ở tuổi 37: Phan Thanh Sơn Nam (Hóa học, năm 2014, Trường ĐH Bách khoa TP HCM), Nguyễn Quang Diệu (Toán học, năm 2011, Trường ĐH Sư phạm HN) và Hoàng Ngọc Hà (Khoa học Trái đất, năm 1996, Trường ĐH Mỏ-Địa chất-Bộ GD-ĐT). Cho đến nay, kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận GS là 81.
PGS trẻ nhất năm nay là Hồ Khắc Hiếu, ngành Vật lý, Trường Đại học Duy Tân, 31 tuổi.Như vậy năm nay ngành Vật lý nắm giữ cả hai kỷ lục, GS và PGS trẻ nhất. Có ba PGS cao tuổi nhất năm nay, cùng 63 tuổi, là Lê Thị Mai, ngành Xã hội học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Ứng Duy Thịnh, ngành Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội và Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Kinh tế, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Kỷ lục PGS trẻ nhất trong 35 năm qua với tuổi 29 là hai PGS: Nguyễn Khánh Diệu Hồng (nữ, Hóa học, năm 2012, Trường ĐH Bách khoa HN) và Phạm Hoàng Hiệp (Toán học, năm 2011, Trường ĐH Sư phạm HN). Cho đến nay, kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận PGS là 81.
Trong quá trình 35 năm qua, hầu hết các ngành đều "hiếm, muộn” nữ GS (và cả nữ PGS). Tôi xin lấy Toán học để minh họa. Nữ GS toán học đầu tiên của nước ta là NGND GS TSKH Hoàng Xuân Sính, Trường ĐH Sư phạm HN (sau này là CT HĐQT Trường ĐH Thăng Long), được phong GS năm 1980 khi chị 47 tuổi. Cho đến năm nay, sau 35 năm mới có thêm được nữ GS toán học thứ hai là Lê Thị Thanh Nhàn, 45 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên, học trò của GS. TSKH. Nguyễn Tự Cường, một nhà toán học tài năng, Tổng Biên tập Tạp chí Toán học “Acta Mathematica Vietnamica”, của Viện Toán học, VHLKH&CNVN, do Springer xuất bản.
GS Nhàn đã công bố 30 bài báo được MathSciNet của Hội Toán học Mỹ liệt kê, trong đó 18 bài thuộc SCI, 5 bài SCIE và có 2 bài SCI và 1 bài Scopus viết một mình. Cả GS Hoàng Xuân Sính và GS Lê Thị Thanh Nhàn đều là các nhà đại số học, một trong các lĩnh vực trừu tượng nhất của toán học. Chồng của GS Nhàn là TS Ngôn ngữ Anh, Cao Huy Trinh, CBGD cùng Trường ĐHKH, ĐH Thái Nguyên. Có điều thú vị đáng nói nữa là nữ tân PGS TS Sinh học Nguyễn Phương Thảo (Trường ĐHQT, ĐHQGTPHCM, sinh năm 1978) là con của GS TSKH Nguyễn Tự Cường (Viện Toán học) và PGS TS Hóa học Tạ Phương Hòa (Trường ĐHBKHN).
“Phúc đã trùng lai” ở một cặp vợ chồng, trong năm 2015, trong ngành Sinh học và trong một trường đại học: Đó là PGS TS Phan Thị Phượng Trang (sinh năm 1977) và PGS TS Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1976), Trường ĐH KHTN, ĐHQGTPHCM.
Kết luận
Vui mừng chào đón những gương mặt trẻ mới gia nhập đội ngũ các GS, PGS để tăng thêm sinh khí cho tương lai và cho lực lượng khoa giáo cao cấp, nhưng chúng ta cũng rất trân trọng những người mà khi gia nhập đội ngũ các GS, PGS đã cao niên do hoàn cảnh, điều kiện riêng về chuyên môn, về cuộc sống, vì chính họ là những tấm gương sáng, kiên cường, bền bỉ, học tập, nghiên cứu và cống hiến suốt đời cho Tổ quốc. Độ tuổi trung bình của các GS, PGS mới trong các lĩnh vực KHTN, KT, CN thường thấp hơn so với các GS, PGS mới trong KHXH, NT, NV. Điều này cũng dễ hiểu vì trong các lĩnh vực sau, các nhà giáo, nhà khoa học cần nhiều thời gian hơn để trải nghiệm và áp dụng NCKH vào thực tế cuộc sống. Số công bố quốc tế và khả năng sử dụng tiếng Anh, CNTT cũng khác nhau do đặc thù chuyên môn, ngành nghề. Chúng ta đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao nghị lực phi thường và sự phấn đấu bền bỉ của những GS, PGS là nữ, là người dân tộc ít người, là những nhà giáo ở vùng còn nhiều khó khăn. Chúng ta cũng xin ghi nhận và cám ơn các thân nhân, thầy cô, đồng nghiệp, bè bạn, học trò của các tân GS, PGS, vì đã động viên, cỗ vũ, hỗ trợ, giúp đỡ để các tân GS, PGS có được thành công và vinh dự hôm nay.
Kính thưa Quý vị,
Việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015 đã thành công tốt đẹp. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự phối hợp kịp thời của Bộ GD-ĐT, sự cố gắng, tận tâm và tinh thần làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm cao của hàng trăm GS, PGS thành viên của 93 HĐCDGSCS, 28 HĐCDGSN/LN, của HĐCDGSNN và của cán bộ, nhân viên thuộc Văn phòng HĐCDGSNN. Ngoài ra, còn có sự đóng góp tích cực của tất cả các cơ sở GDĐH trong cả nước, của các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương, của đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học, của các ứng viên và của các cơ quan thông tin truyền thông, đã đóng góp ý kiến với tinh thần xây dựng, hỗ trợ thêm điều kiện và cả giám sát công việc của các cấp Hội đồng. Chúng tôi cũng xin cảm ơn Ban Quản lý Trung tâm HNQG Mỹ Đình và Ban Quản lý Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám HN đã giúp đỡ tổ chức thành công buổi lễ hôm nay.
Cuối cùng, tôi xin chúc các Đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Quý vị và 522 GS, PGS mới cùng gia đình, bè bạn khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc!
Xin trân trọng cảm ơn!
Trần Văn Nhung,
Tổng Thư ký HĐCDGSNN.
*Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng
Các chữ viết tắt:
GS = Giáo sư, PGS = Phó giáo sư, TS = Tiến sĩ, TSKH = Tiến sĩ Khoa học, ĐH = Đại học, CSGDĐH = Cơ sở giáo dục đại học, SV = Sinh viên, GV = Giảng viên, CBGD = Cán bộ giảng dạy, SP = Sư phạm, KH = Khoa học, CN = Công nghệ, GD = Giáo dục, ĐT = Đào tạo, QG = Quốc gia, ĐHSPHN = Đại học Sư phạm Hà Nội, CP = Chính phủ, VN = Việt Nam; HĐCDGSCS = Hội đồng Chức danh giáo sư Cơ sở, HĐCDGSN/LN = Hội đồng Chức danh giáo sư Ngành/Liên ngành, HĐCDGSNN = Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, KHTN, KT, CN = Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ, KHXH, NT, NV = Khoa học Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, VHLKH&CNVN = Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, AHLĐ = Anh hùng Lao động, VS = Viện sĩ, NGND = Nhà giáo Nhân dân, NGƯT = Nhà giáo Ưu tú, WB = Ngân hàng Thế giới.
Phụ lục:
1. Kết quả xét tại HĐCDGSNN năm 2015