65 năm Trường ĐHSP Hà Nội: Trọng trách lịch sử và Trách nhiệm thời đại

12/03/2019

DSC 1232 

65 NĂM TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI:
TRỌNG TRÁCH LỊCH SỬ VÀ TRÁCH NHIỆM THỜI ĐẠI

(Diễn văn của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - GS.TS. Nguyễn Văn Minh, tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trường ĐHSP Hà Nội, sáng 11/10/2016)

 

Kính thưa:

Các quý vị đại biểu đại diện cho các cơ quan, ban ngành của Trung ương và địa phương, các Trường đại học, cao đẳng, các Sở GD- ĐT trong cả nước, các địa phương nơi trường đã sơ tán trong thời kì chống Mỹ cứu nước

Các vị khách quốc tế, các phái đoàn ngoại giao

Các nhà giáo, các cán bộ lão thành

Các thầy giáo, cô giáo, các thế hệ sinh viên, học viên, học sinh của Nhà trường,

Hôm nay, các thế hệ thầy và trò, cán bộ viên chức Trường ĐHSPHN tụ hội về đây để kỉ niệm 65 Ngày thành lập Trường. Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống, ôn lại kí ức đẹp đẽ, nhìn nhận lại mình và xác định trọng trách cho tương lai Nhà trường.

Hôm nay chúng ta về đây là về với tình thầy trò, tình đồng nghiệp, tình bạn bè và tình người để nâng cánh cho những ước mơ chân chính.

Về đây là về với nguồn cội, về với ân tình nghĩa cả, về với trọng trách quá khứ để suy ngẫm và hành động cho tương lai; về để tri ân những thế hệ đã cống hiến trọn đời mình cho mái trường này và cho sự nghiệp giáo dục đất nước.

Về đây, để tiếp sức cho những gì cao đẹp, cho một thế hệ hiện tại đang tiếp bước trên con đường vinh quang và còn nhiều gian khó.

Hôm nay đây, có thể có những nụ cười, những giọt nước mắt, có những cái bắt tay run rẩy vì cảm động và vì sức vóc đã tận hiến cho cuộc đời này.

Cho phép tôi, thay mặt Nhà trường, xin nồng nhiệt chào đón các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, quý vị đại biểu, quý vị khách quý, các thế hệ lãnh đạo tiền bối, quý thầy cô, cán bộ viên chức, các thế hệ sinh viên, học viên của Nhà trường đã có mặt trong buổi lễ trang trọng và thấm đẫm tình thầy trò ngày hôm nay.

65 năm trước đây, ngày 11/10/1951 một quyết định tuyệt vời mang tầm nhìn chiến lược đã để lại cho đất nước này một đại học mà mọi người dân qua nhiều thế hệ vẫn luôn nhắc đến, nghĩ đến, nhớ đến – đó là ĐHSPHN thân yêu của chúng ta hôm nay.

Xa hơn, gốc rễ hơn và vĩ đại hơn, đó là Sắc lệnh số 45 ngày 10/10/1945 của Hồ Chủ tịch về việc thành lập Ban đại học Văn khoa, chỉ sau Tuyên ngôn Độc lập của nước VNDCCH hơn 1 tháng, chúng ta tự hào vì về sau một số đại học đều có chung nguồn cội này.

Hôm nay, khi có đủ độ lùi về thời gian, chúng ta càng thấm thía hơn ý nghĩa lớn lao của Sắc lệnh này, càng ghi nhớ sâu sắc những lời dạy của Bác để làm tốt trọng trách của mình.

Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày thành lập Trường ĐHSPHN, cho phép tôi đề cập đến 2 vấn đề:

- Lòng biết ơn và sự tôn trọng

- Trọng trách lịch sử và trách nhiệm thời đại

Chúng ta trường tồn vì chúng ta sống trong lòng nhân dân, phục vụ nhân dân, được nhân dân đùm bọc, che chở và tin yêu; chúng ta trường tồn và vượt lên vì chúng ta có những thế hệ tiền bối mở đường và khai sáng.

Chúng ta vinh quang vì những thế hệ tiền bối đã thấm thía nỗi nhục mất nước, đau đớn cảnh đời nô lệ, để khai sáng văn minh bằng một nền giáo dục cách mạng mà ĐHSPHN luôn đồng hành với sự nghiệp cao cả và cam go đó.

Chúng ta tự hào vì chúng ta đang là chủ nhân của một Nhà trường đầu tàu của giáo dục đất nước; được hưởng cái phong thái hào hoa, cái tư duy khai phóng, cái học thuật cao tầm, cái tận tâm tận hiến mà các vị tiền bối mang lại.

Có được sự trường tồn, sự vinh quang và niềm tự hào này là do công sức, trí tuệ, tình cảm và cống hiến quên mình của bao thế hệ thầy và trò, cán bộ viên chức Nhà trường cho một sự nghiệp vĩ đại, khai sáng dân trí, thúc đẩy văn minh để nâng tầm đất nước.

Trong thời khắc trọng đại này, chúng ta luôn nhớ đến những bậc tiền bối đại diện cho những thế hệ của Nhà trường, GS Lê Văn Thiêm, GS Đặng Thai Mai, GS.VS. Phạm Huy Thông, GS. Nguyễn Lương Ngọc, GS.TSKH. Nguyễn Cảnh Toàn, GS. Dương Trọng Bái, GS Ngụy Như Kon Tum… và nhiều vị khác, những thế hệ mà tri thức uyên bác, văn hóa cao tầm, nhân cách mực thước, đời thường bình dị đã bồi đắp những giá trị cho ĐHSPHN thân yêu của chúng ta ngày hôm nay. Tiếc rằng, thời gian cuộc đời không đủ dài để nhiều bậc tiền bối chứng kiến sự trưởng thành của Nhà trường.

Chúng ta mãi mãi tri ân và biết ơn họ.

Thế hệ hôm nay ý thức rằng, không có những viên gạch đầu tiên thì không thể có bức trường thành vững chãi, không có những người mở đường thì thì mãi mãi không có lối đi, và vì vậy trong mỗi nhịp đập của trái tim mình, trong mỗi ý nghĩ của mỗi người đều sâu nặng nghĩa tình và hàm ơn cao cả.

Chúng ta có môt quá khứ quá đỗi hào hùng vì chúng ta luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Dù trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp với điều kiện vô cùng thiếu thốn, hay những năm sau khi hòa bình lập lại miền Bắc bắt tay xây dựng lại từ đầu, thì những thế hệ thầy cô trường thành từ mái trường này đã thầm lặng đóng góp sức mình để phát triển giáo dục nước nhà.

Trong điều kiện sơ tán của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì tâm sáng, chí bền, khát khao cống hiến đã sản sinh ra những người thầy cho thế hệ tương lai.

Lịch sử đất nước, truyền thống Nhà trường luôn nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ rằng, có cả một thế hệ sinh viên đã ra trận và nhiều người trong đó mãi mãi không bao giờ trở lại với giảng đường, có nhiều thầy cô đã tham gia phát triển giáo dục tại các vùng giải phóng, họ vừa là thầy giáo, vừa là chiến sỹ và nhiều người đã ngã xuống khi mộng ước chưa thành. Thế hệ hôm nay còn nặng nợ với lịch sử !

Không hiểu gốc rễ, không biết ơn những người đi trước thì không thể nào lớn lên được. Thế hệ hiện tại ý thức rằng, mình là người được mang ơn và đang mắc nợ. Không ai đòi nợ cả, nhưng lẽ sống của một đời người không cho phép mình vô ơn.

Sau ngày thống nhất đất nước, Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư để phát triển thành trường trọng điểm. Trải qua nhiều thay đổi, hiện nay, trường có 23 khoa, 2 bộ môn trực thuộc, hai trường phổ thông, một trường mần non và hơn 30 Viện, Trung tâm nghiên cứu. Trong số gần 800 giảng viên trên tổng số hơn 1200 cán bộ, có 17 GS, 149 PGS, 273 TS, số còn lại là Th.S, phần lớn được đào tạo bài bản ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Đội ngũ cân đối về số lượng, đảm bảo về chất lượng để đảm nhiệm các mặt công tác của Nhà trường, của ngành. Đây là thành quả mà các thế hệ trước đây dày công chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trong suốt 65 năm qua, thầy và trò Nhà trường đã làm được nhiều việc quan trọng:

  • đã cung cấp một đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho hệ thống giáo dục quốc dân.
  • đã và đang đóng góp phát triển chương trình đào tạo đại học và sau đại học, chương trình phổ thông, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục, nhất là trong các cuộc cải cách giáo dục.
  • đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản và khoa học công nghệ. Kết quả của các đề tài góp phần tư vấn các chính sách về giáo dục, góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ của đất nước.
  • đã tạo được mối quan hệ quốc tế về cả chiều rộng và chiều sâu trong trao đổi cán bộ, sinh viên; NCKH.
  • đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và tăng cường đội ngũ cho các đơn vị bạn kể cả trong và ngoài nước.

Với những nỗ lực không ngừng, những thành quả đạt được, Trường ĐHSPHN đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quí như Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 lần Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và năm nay, một lần nữa vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2.

Qua 65 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đúc kết được các giá trị cốt lõi, đó là: MÔ PHẠM, SÁNG TẠO và CỐNG HIẾN, TIÊN PHONG TRONG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ THÀNH CÔNG.

                                          ----------------------

Kính thưa quí vị đại biểu, quý thầy cô và các thế hệ sinh viên, học viên,

Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, ngày nay giáo dục đã và đang trở thành động lực của sự phát triển đất nước, là cơ sở cho sự trường tồn của dân tộc, là sức mạnh để bảo đảm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và là cầu nối để có những tình bạn quốc tế cao đẹp.

Thế hệ tiền bối đã thấm thía nỗi đau mất nước, lẽ nào ngày nay chúng ta không thấm thía nỗi đau tụt hậu và chậm phát triển.

Mỗi thời đại có những đòi hỏi khắt khe của nó. Chúng ta đã mất bao máu xương để thoát vòng nô lệ, đây là bài học đắt giá của dân tộc. Ngày nay, nguy cơ nô dịch có thể không đơn thuần từ súng đạn. Tụt hậu về giáo dục sẽ kéo theo nghèo nàn về kinh tế, phai nhạt về bản sắc văn hóa, về lí tưởng sống và đó là nguy cơ, một nguy cơ tiềm ẩn và lạnh lùng.

Phải nhìn nhận một cách khách quan, ĐHSPHN đã có  những đóng góp cho phát triển giáo dục nước nhà, góp phần trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tuy vậy, trước yêu cầu mới của đất nước, của thời đại, khi chúng ta đặt mình trong hệ qui chiếu giáo dục thế giới thì thấy rõ còn nhiều bất cập, còn tụt hậu khá xa. Ai sẽ là người làm thay đổi nền giáo dục nếu không phải là chúng ta ?

Đất nước, nhân dân và cả hệ thống đang đặt kì vọng vào mái trường trọng điểm, mái trường có bề dày lịch sử này và lẽ nào chúng ta bình chân trước đòi hỏi, hối thúc chính đáng của thời đại.

Thời đại đã cho ta tầm nhìn, bản thân chúng ta có thể dự đoán được tương lai, và hơn nữa, ĐHSPHN phải có sứ mạng tiên phong với tương lai giáo dục đất nước. Không thể ngồi chỉ để than vãn tụt hậu, chờ thời cơ đến mà cốt tử là chủ động đón trước thời cơ và tìm giải pháp để hành động. Sự đồng hành giữa tư tưởng và giải pháp đúng là chìa khóa của thành công. Thiếu một trong hai yếu tố đó sẽ đưa chúng ta vào vòng luẩn quẩn, có khi là giáo điều và có thể sai lầm nối tiếp sai lầm.

Chúng ta đang đứng trước bệ phóng của sự phát triển, mà đất nước, dân tộc đang chờ đợi. Những khát khao chân chính hiện hình trong tâm thức chúng ta đang thôi thúc và làm dậy sóng đam mê cống hiến trong trái tim, khối óc người thầy.

Giáo dục đất nước đang chuyển mình. Phía trước còn nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng cái đáng sợ hơn cả là ta có dám vượt qua chính mình hay không. Trong thẳm sâu của tâm thức mỗi thầy cô, mỗi sinh viên của ĐHSPHN là khát vọng vươn đến cái tiến bộ, cái tốt đẹp; đây chính là niềm tin sắt son để chúng ta vượt qua trở ngại, để đi đến thành công.

Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho các thế hệ tương lai. Đừng thuần túy hướng con người chỉ biết tập trung vào bộ não, mà đồng thời phải dạy cho họ có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Nói điều này, để chúng ta ý thức về trọng trách và vinh dự của nghề giáo, để mỗi cán bộ, sinh viên của Nhà trường nhận thức rằng, chính chúng ta là những người sáng tạo, những người vị tha và gieo mầm cho sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình.

Chúng ta không chỉ có trách nhiệm trả lời, tại sao giáo dục của đất nước phát triển chậm mà phải tìm ra cách làm để giáo dục tiến bộ nhanh hơn. Chúng ta phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc chứ không phải thuần túy hưởng thụ để cảm nhận là hạnh phúc. Nhưng hành trình này là núi cao, vực thẳm, đầy gian nan, không có con đường nhung lụa và không dành cho những kẻ yếu hèn. Giáo dục là tạo động lực, là cung cấp cách tư duy và hướng hành động. Giáo dục tạo ra sự thay đổi tiến bộ, chinh phục cái mới, và là bà đỡ cho những ý tưởng mới, nếu giáo dục chỉ hướng con người đến hành động giản đơn và lặp lại cố định thì điểm cuối của cuộc đời đã hiển hình trước mắt.

Hãy sẵn sàng cho một thời đại mới. Chúng ta hãy là người dẫn đường trong giáo dục, đây là trọng trách cam go, nhưng đây là sứ mệnh của ĐHSPHN.

Hội nhập sẽ là gian nan, nhưng đó là cơ hội. Có những khoảnh khắc quyết định và chúng ta phải biết lựa chọn và nắm lấy, nếu không, tương lai sẽ về đâu nếu chúng ta không khơi thông được trí tuệ và phẩm giá của mỗi con người và hướng họ đến những điều cao cả.

ĐHSPHN phải là mảnh đất cho những ý tưởng mới ươm mần và trỗi dậy. Chính chúng ta là những người có trách nhiệm khơi dậy tài năng của mỗi con người và tạo đà cho tài năng phát triển. Chúng ta có nghĩa vụ giáo dục con người sống chính cuộc đời của họ chứ không phải của người khác nhưng có trách nhiệm với người khác, trách nhiệm với cuộc đời.

Chúng ta kiêu hãnh vì chúng ta ra đời trong nền dân chủ cộng hòa, vì vậy, chúng ta không thể để giáo dục đất nước tụt hậu được. Tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng và bản lĩnh đi tới tương lai là mục tiêu cao cả của giáo dục và ĐHSPHN phải là người đi tiên phong.

Tương lai sáng lạn chỉ dành cho những người biết tôn trọng và nâng niu quá khứ để hành động chứ không phải dành cho người ngủ quên trên hào quang của quá khứ. Lãng mạn trong tâm hồn sẽ nâng cánh cho những ý tưởng sáng tạo và làm cho trái tim dễ chạm đến trái tim, lãng mạn có thể là thiên đường của sáng tạo, nhưng lãng mạn một cách mơ hồ sẽ là ảo vọng của cuộc đời.

Vì vậy, hãy quay trở lại với chính thực tại của chúng ta và làm những việc phải làm trong thời gian tới, đó là:

1. Tạo dựng một môi trường cho sáng tạo bằng một mô hình đại học sáng tạo.

2. Sẵn sàng cho một đội ngũ để chủ động hội nhập quốc tế thành công.

3. Đào tạo đội ngũ nhà giáo đảm bảo cho một nền giáo dục tiến bộ.

4. Tiên phong giải quyết các vấn đề của ngành, của đất nước.

Chúng ta có nhiều thuận lợi, nhưng phía trước rất nhiều khó khăn, khắc nghiệt và có khi phải trả giá để thay đổi. Nhưng chúng ta không thể để đất nước thấm máu đào này cứ nghèo nàn mãi được, hãy rũ bỏ những tư tưởng thờ ơ, chờ đợi, trọng trách của một đại học trọng điểm không đơn thuần là giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra mà phải dự báo được những gì sẽ xảy ra trong tương lai và đưa ra cách thức giải quyết.

Tôi hi vọng, mỗi cán bộ viên chức và sinh viên, học viên Nhà trường ý thức sâu sắc điều này để dấn thân cho những gì cao đẹp.

Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt toàn thể cán bộ, sinh viên Nhà trường, xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành hữu quan, thành phố Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Nhà trường trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển; các tỉnh, thành, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước đã hỗ trợ, ủng hộ nhà trường về mọi mặt và hi vọng những quan tâm, ủng hộ, hợp tác mới trong tương lai.

Cuối cùng, tôi muốn nói lời tri ân một lần nữa và mãi mãi đối với các thế hệ nhà giáo, cán bộ viên chức, sinh viên, học viên của Nhà trường vì ĐHSPHN hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Vinh quang này thuộc về các thế hệ tiền bối và trọng trách này thuộc về thế hệ hiện tại và tương lai, vì họ muốn vinh quang mãi mãi cho mái trường này. Chúng ta có niềm tin về một ĐHSPHN phát triển vì một nền giáo dục tiến bộ bởi chúng ta dám dấn thân cho sự nghiệp cao cả.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe các quý vị đại biểu, các đồng chí và các bạn!

Số lượt xem : 5642
Tin liên quan
Xem thêm :
Học bổng Nghiên cứu